Tô Lâm từng bước cài cắm lực lượng công an để thâu tóm quyền lực

Ngày 4/2, RFA Tiếng Việt có bài bình luận: “Cuộc đảo chính âm thầm của ngành công an”.

Theo đó, RFA cho hay, ngành công an đang từng bước vươn vòi bạch tuộc tới các vị trí chủ chốt trong bộ máy Đảng và Nhà nước, một cách âm thầm nhưng ráo riết, và cứ đà này toàn bộ bộ máy chính trị sẽ nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng công an.
Nếu không gặp bất cứ sự phản kháng nào, thì đây sẽ trở thành cuộc đảo chính cung đình ngoạn mục trong nền chính trị Việt Nam.
Theo RFA, quá trình thâu tóm các cơ quan trung ương của ngành công an có thể được lột tả một cách sinh động qua đường quan lộ của Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc.
Tại Hội nghị Trung ương diễn ra vào tháng 1/2025, ông Nguyễn Duy Ngọc được bổ nhiệm vào 2 vị trí quyền lực khác gồm Ủy viên Bộ Chính trị, và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Chỉ trong vòng vỏn vẹn 6 tháng, vị tướng công an 60 tuổi đã từ một Thứ trưởng Bộ Công an, rồi trở thành Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Một kỷ lục vô tiền khoáng hậu.
RFA cho biết, không chỉ ông Ngọc, những người gốc công an khác cũng đã được đưa vào các cơ quan kể trên, để củng cố vai trò của ngành này.
Với việc Tổng Bí thư Tô Lâm là người đứng đầu cả Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Cộng với việc ông Nguyễn Duy Ngọc hiện nắm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan chịu trách nhiệm điều tra nội bộ, và công cụ chính trong cuộc chiến chống tham nhũng. Và tất nhiên cả ông Lương Tam Quang, một đồng minh thân cận khác của ông Tô Lâm, giữ chức Bộ trưởng Công an.
Ngành công an hiện đã nắm trong tay các cơ quan đầu não của Đảng.

RFA cũng cho hay, mới nhất có thể kể đến là trường hợp ông Vũ Hồng Văn, người gốc Hưng Yên cùng quê với ông Tô Lâm, được giao giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai từ ngày 25/1.
Trước đó vài ngày, một nhân sự công an khác là ông Quản Minh Cường, hôm 19/1, đã được giao giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Ông Cường cũng gốc Hưng Yên cùng với ông Tô Lâm, là Cử nhân Cảnh sát, từng trải qua các nhiệm vụ ở Bộ Công an.
RFA nhắc lại, không phải khi ông Tô Lâm nắm quyền thì lực lượng công an mới lấn sân bộ máy quản lý nhà nước. Trước đây nhiều năm, nhận sự công an cũng đã “âm thầm” len lỏi khắp nơi.
Việc Ông Tô Lâm đưa nhiều công an vô Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, rõ ràng là để có thể kiểm soát phiếu bầu trong cơ quan đầu não này.
RFA dẫn lời của Giáo sư Carlyle A. Thayer, từ nước Úc, cho biết, Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan ra quyết định cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khoảng thời gian giữa 5 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc hàng năm. Bộ Chính trị phải xin phép Ban Chấp hành Trung ương về các chính sách của mình, bao gồm cả việc bổ nhiệm nhân sự.
“Tổng Bí thư Tô Lâm không thể xếp Ban Chấp hành Trung ương với các đại diện công an. Tuy nhiên, ông Lâm có thể đề xuất việc thăng chức cho những người đang là thành viên, hoặc cựu thành viên của Bộ Công an hiện đang là thành viên Ban Chấp hành Trung ương” – Giáo sư Carlyle A. Thayer nói thêm.

RFA dẫn nhận định của nhà báo Lê Trung Khoa, từ Đức, cho rằng, đây là một sức ép rất lớn đối với các ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trước việc ông Tô Lâm đã bổ nhiệm vô tội vạ, liên tục, thậm chí sai các quy chế của Đảng, đối với những người đứng những vị trí quan trọng.
“Với việc như công an vào nhiều vị trí quan trọng tại Đại hội 14, những người này sẽ đề xuất và được đề xuất, đề bạt vào nhiều vị trí… thì đương nhiên đây sẽ biến thành một cái Đảng công an trị, đem đến hậu quả vô cùng tai hại”. – Ông Khoa nhận xét.
Mục đích cuối cùng, theo nhà báo Lê Trung Khoa, là để đảm bảo ông Tô Lâm “có thêm nhiều lá phiếu nữa trong đại hội 14, để tiếp tục nhiệm kỳ tiếp theo là Tổng Bí thư”.

Quang Minh – thoibao.de