Việc “Đánh bóng hình ảnh” quan chức quá mức trở thành con dao hai lưỡi

Ngày 29/1, RFA Tiếng Việt có bài bình luận của blogger Đồng Phụng Việt: “Chuyện “con nhà” và đôi khi bơm trở thành… họa”.

Theo đó, tác giả cho hay, trước Tết dăm ngày, truyền thông Việt Nam loan tin đích thân bà Bùi Thị Minh Hoài – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Hà Nội, tới tư gia cụ Lương Tam Kỳ ở phường Thành Công, quận Ba Đình, để tặng hoa và trao “Huy hiệu 65 năm tuổi đảng” cho cụ. Theo truyền thông, cụ Kỳ 90 tuổi, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ bằng cách phát quân trang, rồi làm kế toán cho Thanh niên xung phong, sau đó chuyển công tác sang ngành đường sắt, ngành ngoại giao, từng là Bí thư thứ 3, phụ trách tài vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga.
Tác giả cho rằng, chuyện một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Hà Nội hạ cố tới tận tư gia trao tặng huy hiệu ghi nhận tuổi đảng cho một cá nhân, vinh danh đương sự vì “những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của đảng và dân tộc”, nhưng “quá trình hoạt động cách mạng” chỉ như vậy, chưa kể còn được truyền thông bám theo, đưa tin rầm rộ, xưa nay vốn hiếm, nên tự nhiên sẽ được chú ý. Chịu khó xem, ngẫm nghĩ một chút thì cũng có thể thấy vài thông tin đáng chú ý, cụ Kỳ quê ở xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, cùng nguyên quán với Đại tướng Lương Tam Quang.

Đề cập tới mối quan hệ của các “chính khách”, tác giả nhớ đến trường hợp cụ Trịnh Xuân Giới. Sau khi quý tử là Trịnh Xuân Thanh bị bắt, truyền thông Việt Nam đã chủ động giới thiệu cụ Giới như một người cha mẫu mực, dù đã thôi làm Phó ban Dân vận của Ban Chỉ huy Trung ương Đảng, nhưng vẫn tiếp tục rèn luyện, và từng được công nhận như một tấm gương trong “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
Cho dù đã về hưu, hàng ngày, Bí thư Chi bộ Khối dân cư 14 vẫn đi thu gom giấy còn trắng một mặt tại các cửa hàng photocopy, để làm phong bì giao dịch và in nháp các tài liệu nghiên cứu, rồi dùng tiền từ nghiên cứu khoa học, và tiền tiết kiệm mua một bộ máy tính tặng trường Mầm non Phú Thượng…
Tác giả cho hay, theo truyền thông Việt Nam, năm 2016 (thời điểm Trịnh Xuân Thanh bị truy nã), cụ Giới – người từng là thư ký cho các đội cải cách ruộng đất, thảng thốt vì “không ngờ cái chuyện tố điêu tố lấy được mà ông từng hãi hùng đích mục sở thị ấy, lại vận vào chính thời điểm cuối đời mình”.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời cụ Giới khẳng định, thông tin Trịnh Xuân Thanh bỏ ra nửa tỷ để mở tiệc mừng sinh nhật cha là bịa đặt, không thể lấy thông tin từ sổ đen của doanh nghiệp để chụp lên cụ, cụ muốn đối chất. Cứ như truyền thông Việt Nam thì “thời thế quả là đảo điên”.

Không may là sự “đảo điên” có thật ấy lại theo hướng ngược lại. Năm 2017, một tháng sau khi Trịnh Xuân Thanh “đầu thú”, thiên hạ phát giác tin đồn Trịnh Xuân Thanh gom nửa tỷ mừng sinh nhật cha nếu đúng cũng là chuyện nhỏ. Chuyện lớn và có thật là cụ Giới đứng tên một số tài sản từ vài chục đến vài trăm tỷ ở Hà Nội, Vĩnh Phúc… Những tài sản có dấu hiệu tạo lập từ nguồn tiền do Trịnh Xuân Thanh… phạm tội mà có.
Theo tác giả Đồng Phụng Việt, cho dù tương quan cha mẹ – con cái – gia đình của các “chính khách” ở Việt Nam thuộc nhóm thông tin nhạy cảm, nhưng có thể vì các “chính khách” hoặc cha người nhà của họ cảm thấy không đủ… sang, lai lịch chưa tương xứng với thành tựu, nên thỉnh thoảng mới phát sinh những chuyện khó biết gọi tên như vừa kể, hay những “sự thật” mà sau khi phía có liên quan “chủ động tiết lộ”, người nghe chỉ cảm thấy hỡi ôi. Chẳng hạn cả Chủ tịch Nhà nước Trần Đại Quang, lẫn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng được bơm theo một kiểu, ngày nhỏ hiếu học tới mức “bắt đom đóm để lấy ánh sáng học hành”.
“Chính khách” Việt Nam là vật có thể tự bơm hoặc được bơm cho hơn người.

Ý Nhi – thoibao.de