Điểm khác biệt trong đường lối của Tổng Bí thư Tô Lâm so với người tiền nhiệm

Ngày 3/1, BBC Tiếng Việt có bài: “Đảng Cộng sản Việt Nam: Thông điệp Tô Lâm khác gì thông điệp Nguyễn Phú Trọng?”.

BBC cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất đủ năng lực lãnh đạo đất nước; quyết tâm đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, và đề ra bảy nhóm vấn đề trọng tâm của công tác xây dựng Đảng.
Phát biểu trên được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra trong bài viết “Rạng rỡ Việt Nam”. Báo chí trong nước ngày 2/2 đã đồng loạt đăng bài, nhân dịp kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Theo truyền thống, ông Tô Lâm mở đầu bài phát biểu của mình bằng việc nhắc lại bối cảnh lịch sử, công lao của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo BBC, giống như bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thời điểm năm 2020 tại lễ kỷ niệm 90 năm, ông Tô Lâm đã nhắc đến sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước, và không quên nhắc đến việc cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin ”một cách tự nhiên, như một tất yếu lịch sử và đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.
Tuy nhiên, BBC cho hay, 2 bài phát biểu của ông Lâm có sự khác biệt rõ rệt với bài phát biểu của ông Trọng.

Ông Tô Lâm khẳng định nhiệm vụ hiện nay là phát triển kinh tế, đưa đất nước vào ”kỷ nguyên mới” và sánh vai với các cường quốc.
Ông Tô Lâm nhắc đến một kỷ nguyên mới, nhằm nói đến ”kỷ nguyên vươn mình”, một “từ khóa” đã được quảng bá rầm rộ kể từ khi ông lên thay ông Trọng.
Kỷ nguyên vươn mình của ông Tô Lâm cũng đặt ra mục tiêu Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và một nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao 15 năm sau đó.
Thêm vào đó, ông Tô Lâm đi thẳng vào vấn đề yêu cầu ”đổi mới mạnh mẽ tư duy trong công tác cán bộ”.
Ông mong muốn quy trình lựa chọn cán bộ phải chọn được những “người tốt nhất, người xứng đáng nhất, chứ không phải là cơ chế để hợp thức hóa việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt người không đảm bảo tiêu chuẩn, không thực sự tiêu biểu, không thực sự vì dân”.
Vẫn theo BBC, cả 2 vị Tổng Bí thư đều kết thúc bài phát biểu của mình bằng những nhiệm vụ cụ thể.
Ông Trọng đưa ra tầm nhìn ”hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của năm 2020”, và nhấn mạnh việc tổ chức Đảng theo nghị quyết, chỉ thị do chính ông ký ban hành, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 và khóa 12 về xây dựng Đảng, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngoài các nhiệm vụ khác.
Trong khi đó, ông Tô Lâm đưa ra 7 nhóm vấn đề trọng tâm cho bối cảnh rộng hơn, ”trước những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và những thách thức từ tình hình thế giới”.

BBC cho biết thêm, một điểm đáng lưu tâm trong nhóm các vấn đề là quyết tâm tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng ”tinh gọn”.
Chiến dịch ”tinh gọn bộ máy” do Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng đã khiến cả bộ máy chính trị sục sôi.
Đây được xem là phép thử để nhà lãnh đạo xuất thân từ công an thể hiện tài năng của mình trước thềm Đại hội 14.
BBC cũng cho hay, từ khóa ông Tô Lâm nhắc đến nhiều lần, mà người tiền nhiệm của mình không hề sử dụng trong bài phát biểu chính là ”công nghệ”, gắn với nhiệm vụ tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới.
Mới đây, ông Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Minh Vũ – thoibao.de