Ngày 7/11, RFA Tiếng Việt bình luận: “Vì sao Trung Quốc để yên cho Việt Nam xây đảo nhân tạo?”.
Theo đó, RFA cho hay, một hãng tin nước ngoài mới đây đã đăng tải video cho thấy, chỉ trong 4 năm, từ năm 2020 đến năm 2024, Việt Nam đã tăng tốc mở rộng các đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Những hoạt động xây dựng bao gồm xây đường hào, bến cảng, có thể cả kéo dài những đường băng cho mục tiêu quân sự.
RFA cho biết, ngoài ra, báo cáo của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) được công bố vào ngày 7/6 cũng cho thấy, trong 6 tháng qua, Việt Nam đã tăng tốc đáng kể việc mở rộng các tiền đồn của mình ở quần đảo Trường Sa với diện tích gần bằng 2 năm trước đó cộng lại, đưa Hà Nội đạt kỷ lục xây dựng đảo vào năm 2024.
Không thể phủ nhận năng lực của Việt Nam trong việc thực hiện được những dự án bồi lấp đảo ở xa bờ, nhưng điều ấn tượng hơn nằm ở chỗ Việt Nam đã bằng cách nào đó tránh được sự ngăn cản từ Trung Quốc.
Trong khi đó, cùng thời điểm hoạt động bồi lấp đảo của Việt Nam diễn ra, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã leo thang đáng kể xung quanh Bãi Cỏ Mây, một rạn san hô chìm nằm ở phía đông Quần đảo Trường Sa.
RFA dẫn lời Tiến sĩ Andrew Taffe, từ Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ, cho rằng, chính vì Philippines là đồng minh hiệp ước của Mỹ nên Trung Quốc không cần phải kiềm chế sự hung hăng với Philippines. Theo ông, Bắc Kinh hiểu rằng Washington không sẵn lòng cho phép đồng minh của mình mạo hiểm với những rủi ro, có khả năng kích hoạt cam kết phòng thủ chung Hoa Kỳ – Philippines, nên chính Manila mới là bên phải kiềm chế những hành xử với Trung Quốc.
Còn trường hợp của Việt Nam, ông Andrew cho rằng sự tương đồng về thể chế chính trị với Trung Quốc, có thể đã đóng vai trò nhất định.
Tiến sĩ Andrew nhận định:
“Dù không tin tưởng lẫn nhau nhưng cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh có điểm chung là được lãnh đạo bởi đảng cộng sản. Cả hai chính quyền đoàn kết trong quyết tâm chung nhằm bảo vệ sự độc quyền về quyền lực chính trị của đảng của họ.”
“Như thế, sự kiềm chế của Trung Quốc đối với việc xây dựng, cải tạo đảo của Việt Nam có thể phản ánh lợi ích của Trung Quốc, trong việc duy trì quan hệ lành mạnh với Hà Nội. Bắc Kinh có lẽ sẽ giải quyết nhẹ nhàng các tranh chấp hiện nay, vì tân Chủ tịch nước của Việt Nam dường như đặc biệt tôn trọng Bắc Kinh”.
RFA dẫn thêm bình luận của nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, nêu lý do khiến Trung Quốc hành xử với Philippines khác với Việt Nam:
“Với Philippines, Trung Quốc nhìn thấy Mỹ là đồng minh chiến lược của Philippines, nhưng rất nhiều vụ va chạm giữa Trung Quốc và Philippines thì Mỹ lại án binh bất động không làm gì. Hiệp ước phòng thủ Mỹ – Phi chỉ là “con ngáo ộp” để Mỹ tăng cường quan hệ chiến lược với Philippines, chứ không giải quyết được quyền lợi cho người Philippines.”
“Với Việt Nam, Trung Quốc cần phải ve vãn, hứa hẹn những lá bài về kinh tế để ngăn Việt Nam đến gần Mỹ, và các siêu cường khác trên thế giới. Trung Quốc cũng nhìn thấy Việt Nam là một nước nhỏ, muốn ổn định và phát triển thì phải luôn luôn luồn lách giữa thế lực của các siêu cường, nhưng không được tách rời khỏi Trung Quốc”.
RFA dẫn lời của nhà nghiên cứu Hoàng Việt, nhận xét, chính sự “đu đưa” này đã giúp Việt Nam cân bằng được sức ép từ Trung Quốc trên Biển Đông.
“Việt Nam vẫn khéo léo duy trì quan hệ với Trung Quốc, không như Philippines đã chọn hướng ngả hẳn về Mỹ rồi. Thậm chí Manila còn cho Mỹ đặt tên lửa tầm trung trên đất Philippines hướng về eo biển Đài Loan. Việt Nam đang đu đưa giữa Trung Quốc và Mỹ, nên Trung Quốc không muốn mạnh tay với Việt Nam, sợ Việt Nam hướng sang Mỹ nhiều. Như thế sẽ bất lợi cho Bắc Kinh về mặt chiến lược”.
Thu Phương – thoibao.de