Ngày 9/11, blog Trần Đông A trên VOA Tiếng Việt bình luận “Việt Nam: Sau “bầu cử giả” sẽ có cải cách thể chế?”
Tác giả đặt vấn đề, việc Tổng Bí thư Tô Lâm vừa “trao ghế Chủ tịch nước” cho Đại tướng Lương Cường, có phải để “quân bình quyền lực” giữa công an và quân đội, nhằm đi tới “cân bằng Tứ trụ”?
Động thái “san sẻ lợi quyền” này phải chăng để tạo nên một “Bộ tứ” mới, thật sự đoàn kết, có tính chính danh, hay đấy chỉ là lớp vỏ bọc cho mô hình quyền lực tập trung vào cá nhân, hoặc một phe phái cụ thể?
Tác giả nghiêng về khả năng thứ hai. Bởi “Cân bằng Tứ trụ” hay “Lãnh đạo Tập thể”, chỉ là bùa chú cho dân thường, đảng viên yên tâm, chứ thực chất, từ ông Hồ đến ông Duẩn, từ Trường Chinh đến Lê Đức Anh, các vị ấy đều dẹp “nhất thể hóa” sang một bên. Dân gian hát đồng giao: “Bộ tứ là tự Bố” đúng y tróc, cho các trường hợp ấy.
Tác giả phân tích, khi đã làm chủ “thanh kiếm” và “lá chắn” trong tay, chẳng cần chức Tổng Bí thư, Lê Đức Anh vẫn làm Vua một thuở.
Đối với Tô Lâm, đừng thấy ông trao “thanh bảo kiếm” cho Lương Cường, mà ồn ào rằng. Tô Lâm “xuống nước”. Thực tế, đấy có thể chỉ là một bước đi chiến lược để củng cố quyền lực, và mở đường cho những động thái tiếp theo, vẫn còn nhiều nước cờ chưa lật, và sự nhạy bén chính trị của ông Tô Lâm không nên bị xem nhẹ.
Hãy chờ xem, mọi thứ vẫn còn rất nhiều khả năng bất ngờ và phức tạp phía trước.
Tác giả cho rằng, dù bức xúc về “điểm nghẽn” thể chế, nhưng Tô Lâm vẫn không vượt thoát được “bóng đè chủ nghĩa”, bởi ông vẫn không dám phá bỏ các “húy kỵ”, do mô hình của thể chế độc đảng sinh ra.
Đáng ra, Tô Lâm phải khuyến khích Quốc hội làm cuộc giải phẫu các thất bại từ các Đại hội Đảng những năm gần đây, để thấu triệt cội nguồn của “điểm nghẽn thể chế”. Tắc nghẽn của mọi tắc nghẽn chính là mô hình toàn trị và việc “đeo bám” hệ tư tưởng đi ngược lại với văn minh nhân loại, mà ngay cả các trí thức lẫn đảng viên lão thành như cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin hay Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống và nhiều nhân sĩ trí thức khác từng phê phán.
Tác giả đánh giá, ông Tô Lâm né tránh chủ nghĩa Marx – Lenin, xem ra đâu phải là sự chuyển biến trong tư duy lãnh đạo, đấy chỉ là tín hiệu mị dân, chứ hoàn toàn không phải là biểu hiện của tầm nhìn cải cách thực sự!
Chỉ khi nào ông Tô Lâm hóa giải được mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa dân chủ hóa và chế độ toàn trị, thì mới có hy vọng cải cách thể chế! Sự thay đổi thể chế chỉ có thể thực hiện, nếu hệ thống chính trị cho phép sự tham gia thực sự của dân chúng, với những tiếng nói phản biện lành mạnh.
Tuy nhiên, tác giả nhận định, Nghị định Lập hội 126 vừa được ban hành, lại tăng cường hạn chế các tổ chức xã hội dân sự, tạo thêm những rào cản cho các tiếng nói độc lập. Ngoài ra, “hội chứng kẻ thù” vẫn ám ảnh ông Tô Lâm, khi ông cho rằng, “các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, để tác động, hướng lái, thậm chí chống phá, xác định đây là con đường “ngắn nhất”, “nhanh nhất” để chuyển hóa chính trị của Việt Nam”.
Tác giả kết luận, lựa chọn cải cách hay tiếp tục theo con đường độc tài? Tương lai phụ thuộc vào việc Đảng Cộng sản Việt Nam có thể tiến hành Đổi mới toàn diện, để “con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại”, như phát biểu của chính Tô Lâm. Một chính thể bị “vũ trang hóa” cao độ, thiếu hẳn các khuôn mặt kỹ trị, sẽ thật khó hứa hẹn cải cách và đổi mới.
Khi Đảng không thể chứng minh được khả năng thay đổi, nguy cơ về sự mất niềm tin sẽ ngày càng tăng cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn tại của Đảng, mà còn tạo ra những bất ổn trong xã hội, và đến lúc ấy, quyền lực của Đảng chỉ còn dựa trên sức mạnh và sự kiểm soát của những “Thanh kiếm” và “Lá chắn”.
Hoàng Anh – thoibao.de