Ngày 11/11, RFA Tiếng Việt loan tin “Đại biểu quân đội so bì với ngành công an về cấp bậc”.
Theo RFA, một Đại biểu Quốc hội kiêm Đại tá Quân đội, đã yêu cầu phong tướng cho chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trọng điểm.
RFA cho biết, yêu cầu trên được nêu ra trong một phiên họp Quốc hội, ngày 5/11, khi Quốc hội đang thảo luận về Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều, của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Cụ thể, ông Lữ Văn Hùng – Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, đồng thời mang quân hàm Đại tá Quân đội, thắc mắc, vì sao giám đốc công an các tỉnh, thành trọng điểm, thì mang quân hàm thiếu tướng, trong khi, cùng các địa phương đó, chỉ huy quân sự chỉ mang hàm đại tá.
Bản thân ông Hùng từng giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang.
RFA dẫn Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện hành, theo đó, Tỉnh đội trưởng mang quân hàm Đại tá.
Trong khi đó, Luật Công an Nhân dân năm 2018, quy định phong cấp thiếu tướng cho các giám đốc công an, ở những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương được phân loại là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông.
RFA cho biết, đề nghị trên của Đại biểu Lữ Văn Hùng đã bị Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang bác bỏ, với lý do, nếu thực hiện thì sẽ “vượt trần” số lượng sĩ quan cấp tướng mà Bộ Chính trị cho phép.
Theo quy định của Bộ Chính trị, quân đội không được phép có quá 415 sĩ quan cấp tướng.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân, được thông qua vào tháng 6/2023, lực lượng công an được nâng con số vị trí cấp tướng từ 199 lên 205.
RFA dẫn nhận xét của các nhà quan sát chính trị Việt Nam, cho rằng, quân đội và công an đang là tâm điểm của cuộc cạnh tranh quyền lực thượng tầng.
Hai lực lượng này hiện chiếm đa số trong các cơ quan cao nhất của Đảng Cộng sản, gồm Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.
Các vị trí đứng đầu Đảng và Nhà nước hiện cũng do người của 2 lực lượng này nắm giữ, với chức Tổng Bí thư do Đại tướng Công an Tô Lâm đảm nhiệm, và chức Chủ tịch nước thuộc về tướng quân đội Lương Cường.
Liên quan đến mối quan hệ truyền thống giữa quân đội và công an, ngày 9/9, BBC Tiếng Việt cho hay, quân đội chuyên chống kẻ địch bên ngoài, còn công an chủ yếu chống kẻ địch bên trong.
BBC dẫn nhận định của một nhà quan sát chính trị, cho rằng, trong cấu trúc quyền lực hành pháp của Việt Nam, Bộ Quốc phòng là quan trọng nhất, rồi đến Bộ Công an, tiếp theo là Bộ Ngoại giao.
BBC cũng dẫn đánh giá của Giáo sư Zachary Abuza, từ Mỹ, cho rằng, sự kèn cựa giữa 2 lực lượng vũ trang, một phần do sự cạnh tranh về quyền lực và tài nguyên. Đó là bản chất của sự cạnh tranh quan liêu.
“Bộ Công an xem mình là người bảo vệ của chế độ. Quân đội thì nhấn mạnh lịch sử chiến đấu và giành độc lập.”
Về cách nhìn nhận của công chúng, theo BBC, quân đội dường như có hình tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hơn là công an, người ta thường gọi thân tình “chú bộ đội”. Bởi lẽ, Quân đội Nhân dân Việt Nam là một tổ chức được tôn kính, với lịch sử lẫy lừng trong việc giúp giành lại độc lập cho Việt Nam.
Ngược lại, theo Giáo sư Abuza, đa phần người dân không có thiện cảm với công an, vì Bộ Công an là một cơ quan quan liêu khổng lồ với quyền lực bao trùm.
Giáo sư Abuza đánh giá, việc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chiếm phần đông trong các cơ quan chủ chốt của Đảng, bao gồm Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, cho thấy sự bất an của chế độ về vấn đề an ninh nội địa và mối đe dọa của cách mạng màu và diễn biến hòa bình.
Thu Phương – thoibao.de