Ai sẽ thay ông Phúc làm Chủ tịch nước

Ngày 17/1, Trung ương sẽ họp khẩn bỏ phiếu loại ông Phúc khỏi Bộ Chính trị. Hôm sau, ngày 18/1 Quốc hội họp và miễn nhiệm ông Phúc.

Việc ông Phúc bị loại hoàn toàn bất ngờ đối với chính bản thân ông, cứ tưởng việc chỉ dừng đến ông Đam, Minh sau đó sẽ thôi. Ông Phúc sẽ ngồi làm vì với ghế Chủ tịch nước đến hết nhiệm kỳ này. Nhưng họp Ban Bí thư, Bộ Chính trị để kỷ luật ông Mai Tiến Dũng, thình lình ông Huệ đứng lên phát biểu, đòi ông Phúc phải về vì lý do là người đứng đầu, cấp trên của ông Minh và Đam, không thể ngồi đó được nữa.

Ông Phúc biết trách nhiệm của mình, nhưng ông nghĩ người ta sẽ để ông về khi hết nhiệm kỳ, không ngờ các đồng chí của ông xuống tay một cách quá bẽ bàng cho ông.

Như vậy khoá này Bộ Chính trị đã vắng đi 2 người là ông Phúc và ông Minh. Còn lại 15 người. Trong số đó chỉ có 5 người đã trụ từ khoá trước, là các ông Trọng, Huệ, Chính, Tô Lâm, Thưởng.

Chức Chủ tịch nước theo thông lệ phải có một nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị, nếu chiểu theo tiêu chuẩn này, chỉ có ông Tô Lâm và ông Thưởng là đủ. Về vị trí từ Bộ trưởng Bộ Công an hay Thường trực Ban Bí thư lên làm Chủ tịch nước thì đã có tiền lệ từ ông Sang và ông Quang. Sẽ không có tranh cãi từ vị trí đi lên làm Chủ tịch nước.

Ông Thưởng sinh năm 1970, năm nay 53 tuổi. Nếu ông giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ này và một nhiệm kỳ nữa. Đết hết nhiệm kỳ sau vào năm 2031. Ông Thưởng mới có 61, 62 tuổi. Ông đủ tuổi làm thêm nhiệm kỳ nữa, làm Chủ tịch nước 3 khoá liền hơi kỳ. Nhưng nếu làm 2 khoá Chủ tịch nước rồi thì khoá tiếp theo biết làm gì. Làm Tổng Bí thư thì là người miền Nam đầu tiên chăng? Chả lẽ làm Chủ tịch nước 2 khoá rồi quay lại làm thường trực ban bí thư, chủ tịch quốc hội?

Ông Tô Lâm sinh năm 1957, nếu ông làm Chủ tịch nước thì hết nhiệm kỳ này, vào năm 2026, ông gần 70 tuổi, nếu không phải trường hợp đặc biệt ông sẽ về hưu. Thế nên, nếu thay Chủ tịch nước bằng một Ủy viên Bộ Chính trị đã có một nhiệm kỳ, chắc chắn ông Tô Lâm hợp lý hơn ông Thưởng. Vấn đề là ông Tô Lâm có mối trục trặc với Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh, chuyến thăm của Thủ tướng Đức vừa qua có đề cập giải quyết vụ Trịnh Xuân Thanh, làm sao có thể để ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước được thuận lợi. Tuy nhiên thì phía Việt Nam sẵn sàng để ngỏ quan hệ Việt Đức thêm vài năm nhạt nhẽo nữa, đến khi ông Tô Lâm về hưu, hết nhiệm kỳ Chủ tịch nước này cũng chẳng sao.

Có điều nếu ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước thì tứ trụ toàn người vĩ tuyến 17 đổ ra.

Hai phương án khác là ông Trọng lại kiêm hai chức, hoặc một Phó Chủ tịch nước sẽ kiêm nhiệm quyền Chủ tịch nước đến hết nhiệm kỳ này.

Trong 4 phương án trên, phương án để Phó Chủ tịch nước kiêm nhiệm thay là phương án hợp lý nhất, đợi các ứng cử viên còn lại làm việc thế nào đến cuối nhiệm kỳ 13 để đánh giá, sẽ tạo nên cuộc đua tranh. Trong thời gian đó các số uỷ viên Bộ Chính trị mong chức Chủ tịch nước sẽ nhất nhất nghe lời ông Trọng, để mong được đề cử làm ứng cử viên.

Việc đưa ông Thưởng hay Tô Lâm lên còn kéo theo đến việc ai thế chỗ hai ông này làm Thường trực Ban Bí thư và Bộ trưởng Công an. Hai chức này còn kèm theo một chân trong Bộ Chính trị nữa. Nếu một trong hai ông này lên Chủ tịch nước, lại họp trung ương bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, mà đã làm thì tất phải làm cho cả chức Phó Thủ tướng Thường trực (một chức danh mà kèm theo suất uỷ viên Bộ Chính trị từ bao năm nay).

Chức Thường trực Ban Bí thư dưới thời ông Trọng chẳng có tí quyền lực nào, chỉ như chân sai vặt cho ông Trọng nên chẳng nhiều người ham. Nhưng chức Bộ trưởng Bộ Công an đầy quyền lực sẽ là chức mà nhiều người ham muốn. Các ông uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Hòa Bình, Phan Đình Trạc có thể làm được chức bộ trưởng công an, ngoài ra còn có các ông uỷ viên Trung ương như Trần Quốc Tỏ, Nguyễn Duy Ngọc, Lương Tam Quang.

Nếu áp lực đòi làm Chủ tịch nước của ông Tô Lâm không đủ mạnh, có lẽ ông Trọng sẽ chọn phương án Phó Chủ tịch nước kiêm nhiệm thay. Như thế nhiều kẻ phải chờ đợi các chức kế nhau, trong lúc chờ đợi, một lòng một dạ lấy lòng ông hết mức, vâng dạ cung cúc, tôn kính ông còn hơn cả bác Hồ. Như thế cũng không phải mất công họp Trung ương bầu bổ sung uỷ viên Bộ Chính trị, không phải họp Quốc hội bổ nhiệm Chủ tịch nước hay Bộ trưởng Bộ Công An.

 

Người Buôn Gió – Thoibao.de (Tổng hợp)