Công an Thành phố Hồ Chí Minh lại “quản không được thì cấm”

Nhà nước Việt Nam, trên danh nghĩa, luôn chủ trương tôn trọng quyền tự do hội họp là một phần của các nguyên tắc nhân quyền cơ bản. Theo Hiến pháp, cũng như các quy định của pháp luật Việt Nam, quyền tự do hội họp cho phép cá nhân hoặc nhóm người có thể tụ họp công khai hoặc riêng tư.

Để chia sẻ ý kiến, thảo luận các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế mà không gặp cản trở vô lý từ phía nhà nước, đây là một quyền quan trọng, đảm bảo mọi người có thể thực hiện các hoạt động hợp pháp, trong một xã hội dân chủ và thúc đẩy sự phát triển của nó.

Ngày 4/11, RFA Tiếng Việt đưa tin, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã câu lưu gần 20 người là cựu tù chính trị, cũng như thân nhân của các tù nhân lương tâm đang bị chính quyền giam giữ. Trong đó có hai cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thế Hoá và Hồ Đình Cương, mới ra tù hồi năm 2023.

Bản tin cho biết, một nhóm bạn bè khoảng 20 người gồm thân nhân của tù chính trị và những cựu tù chính trị đã tổ chức gặp mặt nhau, nhân dịp một Việt kiều Úc về thăm Việt Nam vào ngày 1/11. Cuộc họp mặt này bị Cơ quan An ninh Công an Thành phố Hồ Chí Minh gây khó dễ, với lý do, nhận được tin báo từ quần chúng, nghi ngờ có bom trong nhà hàng nên cần phải điều tra.

Một số nhân chứng cho biết, sau khi tàn tiệc liên hoan vào lúc 22 giờ, khi ra về từ một nhà hàng ở Quận 12, Sài Gòn, nhóm thực khách đã bị lực lượng Cảnh sát Giao thông chặn đường, với lý do kiểm tra nồng độ cồn.

Ngay sau đó, lực lượng công vụ đã buộc mọi người lên xe về đồn công an, để kiểm tra việc sử dụng chất cấm. Nhưng khi về đồn rồi thì họ cũng không kiểm tra, mà đưa mọi người về các trụ sở Công an Phường khác nhau trong Quận 12 để thẩm vấn.

Tại đó, cơ quan an ninh tiến hành lục soát tư trang, và buộc phải giao nộp điện thoại, cung cấp mật khẩu để công an xem tin nhắn trên mạng xã hội Facebook, và các ứng dụng khác. Các nhân viên an ninh thành phố đã tiến hành tra hỏi về mục đích của buổi gặp mặt, nội dung cũng như các mối quan hệ xã hội.

Đồng thời, buộc tất cả mọi người phải viết cam kết, không được tiết lộ nội dung buổi làm việc, cũng như được không chia sẻ thông tin chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội. Được biết, phải đến lúc 4 – 5 giờ sáng ngày hôm sau 2/11, buổi làm việc mới kết thúc, và một số người mới được An ninh Thành phố trả tự do. Còn lại 2 người trong đó có một Việt kiều Úc bị câu lưu gần 24 tiếng mới được cho về.

Trên mạng xã hội đã có nhiều ý kiến phản đối rằng, vụ việc kể trên cho thấy, việc Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh tùy tiện giữ người vô cớ là các hành vi trái pháp luật.

Theo chính sách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và giữ gìn ổn định chính trị, Nhà nước Việt Nam yêu cầu cần phải xử lý trên các nguyên tắc pháp luật đã quy định. Điều đó sẽ bảo vệ sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Chủ trương tôn trọng quyền tự do hội họp là một phần của các nguyên tắc nhân quyền cơ bản, được quốc tế và nhiều quốc gia công nhận. Quyền tự do hội họp cho phép cá nhân và nhóm người có thể tụ họp công khai hoặc riêng tư để chia sẻ ý kiến, thảo luận các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế mà không gặp cản trở vô lý từ phía nhà nước hoặc các lực lượng chức năng.

Đây là một quyền quan trọng, đảm bảo mọi người có thể thực hiện các hoạt động hợp pháp trong một xã hội dân chủ, và thúc đẩy sự phát triển xã hội trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và pháp luật.

 

Trà My – Thoibao.de