Câu chuyện Chủ tịch huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Giang Hương bị mất 171 tỷ trong tài khoản đã xảy ra từ rất lâu, nhưng đến nay, nguồn gốc số tiền khổng lồ đó vẫn chưa câu trả lời.
Công luận đặt câu hỏi, tại sao một nữ Chủ tịch cấp huyện lại giàu có như thế, và tại sao cơ quan chức năng xử lý vụ việc quá chậm trễ? Có hay không việc được cho là tạo điều kiện cho người bị kỷ luật có thời gian để “chạy tội”?
Ngày 4/11, truyền thông nhà nước đưa tin, Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định thanh tra đối với cựu Chủ tịch huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương, với lý do có nghi ngờ dính đến việc tham nhũng đất đai, trong giai đoạn tại chức.
Đại diện của Huyện Nhơn Trạch cho biết, quyết định thanh tra sẽ tập trung vào nội dung “xem xét trách nhiệm” của Chủ tịch huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương, và các tổ chức, cá nhân liên quan về nội dung quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn.
Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh ủy Đồng Nai sau đó đã tiến hành kiểm tra và kết luận, bà Nguyễn Thị Giang Hương “có khuyết điểm, kê khai tài sản không trung thực, theo quy định của Bộ Chính Trị”. Tuy nhiên, theo bà Hương giải trình, số tiền 171 tỷ là do bà đi vay mượn của bạn bè và người thân mà có.
Đến tháng 6/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định cách chức Chủ tịch huyện Nhơn Trạch đối với bà Giang Hương. Một yêu cầu mà công luận đặt ra đối với Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, cần phải trả lời câu hỏi, số tiền 171 tỷ của bà Chủ tịch Nguyễn Thị Giang Hương có thể hiện trong bảng kê khai tài sản hay không và đã được xác minh làm rõ hay chưa?
Công luận thấy rằng, chỉ với một lãnh đạo mới giữ chức Chủ tịch huyện như bà Nguyễn Thị Hương Giang, mà trong tài khoản ngân hàng đã có tới hàng trăm tỷ, để rồi bị lừa. Đây là điều hết sức bất bình thường, vậy thì lãnh đạo cấp trên, như là Bí thư Tỉnh ủy hay Chủ tịch tỉnh thì giàu có đến cỡ nào?
Đây không phải là điều lạ, mà là chuyện “thường ngày ở huyện”, hầu như tất cả các lãnh đạo các cấp trong bộ máy đảng và chính quyền ở Việt Nam hiện nay đều giàu có như vậy. Mà nguồn gốc tài sản tất cả đều do tham nhũng, nhận hối lộ và vi phạm pháp luật.
Hãy xem khối tài sản của cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ – người cũng bị kỷ luật và khởi tố bắt giam với lý do giàu bất chính, với số tiền gửi trong ngân hàng khoảng 3 ngàn tỷ, chưa kể đến số cổ phiếu, trái phiếu có giá trị xấp xỉ 1 ngàn tỷ như truyền thông nhà nước đưa tin.
Theo kết luận điều tra của Cục An ninh Điều tra (A09), Bộ Công an, tổng số tiền hối lộ mà Lê Đức Thọ nhận từ bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh – lãnh đạo Công ty Xuyên Việt Oil, đã lên đến hơn 1 triệu USD.
Theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2024, có 2.518 người được xác minh việc kê khai, nhưng chỉ có 4 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Nhưng Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Ngay sau khi trở thành người đứng đầu bộ máy Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng theo phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, việc kê khai tài sản đối với các đối tượng thuộc diện cần phải giám sát theo quy định, lâu nay hoàn toàn chỉ mang tính hình thức, chỉ nhắm vào giới chức cấp thấp trong bộ máy nhà nước và chưa được coi trọng.
Muốn chống được tham nhũng thì những người lãnh đạo cao nhất của Đảng dứt khoát phải không tham nhũng, kể cả tham nhũng quyền lực.
Trà My – Thoibao.de