Link Video: https://youtu.be/86S8CCzoyi0
Ngày 7/3, trên blog RFA có bài “Người Việt đang say mồi” của blogger VietTuSaiGon bình về thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay.
Tác giả dẫn câu chuyện của F88, một Công ty chuyên làm các dịch vụ tín dụng và thương mại đen vừa bị Công an TP. HCM sờ gáy, và đặt câu hỏi, Sài Gòn còn bao nhiêu công ty, bao nhiêu tổng công ty loại hình này?
Theo tác giả, miếng mồi câu đã được các tổ chức tội phạm tương tự F88 sử dụng đắc địa, nhất là trong lúc này, sau ba năm dịch giã, sau cái đói, nỗi khốn cùng của trốn chạy, bị giam lỏng, bị cấm cửa, phong tỏa và chết chóc… kinh tế suy thoái, kiệt quệ, đời sống của người lao động trở nên khốn cùng hơn bao giờ. Đây cũng là lúc mà người ta đâu còn đủ thời gian để suy nghĩ đến những thứ gì cho ra tấm ra mẻ, kiếm ăn, cái ăn thúc giục… Những cái app dành cho người không hiểu biết về kinh tế, hay nói đúng hơn là người nghèo, chỉ biết quanh quẩn cơm áo gạo tiền, đắp đổi qua ngày đoạn tháng như những con mồi câu người nghèo.
Tác giả nhắc đến chuyện có hàng triệu tin nhắn, cú điện thoại và lời dụ dỗ ngon ngọt được tung vào thị trường lao động, trên những chiếc điện thoại thông minh (có xuất xứ Trung Quốc, giá vừa phải để người lao động mua mà xài Zalo, WhatsApp, Viber, Facebook, Facebook Messenger… để thỏa sức gọi miễn phí, thỏa sức lướt web). Những lời dụ dỗ kiểu như “Đầu tư thu lãi 20% chỉ sau một giờ”, và những con cá cắn mồi ngay tức thì, bởi một triệu đồng đầu tiên không phải bỏ ra, mà chính “nhà đầu tư” tặng, hôm sau có ngay 200,000 đồng tiền thật gửi vào tài khoản. Như vậy, chuyển vào 1,000,000 đồng, lại sinh lãi 200,000 đồng. Câu chuyện bắt đầu từ chỗ này, nếu không duy trì đầu tư, tái đầu tư, thì tài khoản có nguy cơ bị đóng. Vậy là, nạn nhân cứ tiếp tục vay mượn để “đầu tư”, cho đến khi tài khoản không nhận được thông báo gì mới và đăng nhập cũng không được, bởi vì nó đã bốc hơi, tiền cũng bốc hơi theo nó…
Tác giả nhận xét, điều đó cũng đồng nghĩa với việc, kẻ lừa đảo đã thả mấy miếng mồi trị giá vài trăm ngàn đồng cho người nghèo, vì thấy dễ ăn, người nghèo đớp phải mồi và cuối cùng trượt dài, sập bẫy. Kiểu bẫy như thế này diễn ra khắp đất nước, hầu hết lao động nghèo, sinh viên mới ra trường (dính các loại bẫy “cộng tác viên”) và những người làm công nhân lương ba đồng ba cọc…
Tác giả cho rằng, mẫu số chung của các nạn nhân đều là, họ không có kiến thức về kinh tế, họ đều nghèo, thất nghiệp và cần tiền. Họ bị dính bẫy miếng ăn, một cái bẫy đầy sỉ nhục cho một đất nước tự xem mình đã phát triển và tiến bộ.
Tác giả tiếp tục đặt câu hỏi, tại sao người ta lại bị sập bẫy hàng loạt? Khi đặt câu hỏi này, thì lại phát sinh một câu trả lời khác ở một câu hỏi khác, tại sao người giàu bị sập bẫy sức khỏe và người có quyền lực bị sập bẫy mê tín?
Tác giả nêu dẫn chứng, hiện tại, các dịch vụ “tư vấn tâm linh” kiểu như chùa Ba Vàng có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm, không chỉ ở chùa chiền mà ở các điện, đền, miếu, lăng… đều có. Khách hang, con nhang đệ tử của những nơi này là giới nhà giàu có làm ăn dây mơ rễ má với nhà nước, giới đứng sân sau và giới quan chức.
Tác giả cho rằng, giới quan chức và nhà giàu sân sau chuộng những chỗ này vì hai nguyên nhân: Trình độ hiểu biết thấp và sợ hãi.
Trình độ thấp vì họ có bằng cấp nhưng toàn bằng mua, kiến thức không có nhưng toàn thủ đoạn để tranh giành quyền lực, để đấu đá tiêu diệt lẫn nhau. Gây nên ân oán, oan trái nhiều nên sợ nghiệp và từ đó sập bẫy mê tín. Nhà giàu thì bị ám ảnh bởi tình trạng sức khỏe bởi sự độc hại của môi trường. Từ tâm lý này, những miếng mồi về sức khỏe, từ các kiểu điều trị quái dị, các loại thuốc tráng dương bổ thận hay các loại đặc trị tốn bạc tỉ mới xuất hiện, mà kỳ thực, nhiều khi nó chỉ là thứ độc dược đưa vào cơ thể. Không chỉ các kiểu lang vườn mà ngay cả các bệnh viện, các bác sĩ có ăn học tử tế cũng đổi màu, cũng tự biến họ thành một loại máy chém. Bởi họ biết, trong xã hội họ sống, những người thực sự quan tâm đến sức khỏe cũng là những người thực sự có tiền và sợ chết.
Tác giả lại lần nữa đặt câu hỏi, một xã hội mà, người giàu thì dính mồi sức khỏe, kẻ có quyền lực thì dính mồi mê tín, người nghèo khổ thì dính mồi miếng ăn, mọi tầng lớp đều có mồi và bẫy riêng của nó, thì liệu xã hội đó có bình yên hay không?
Câu trả lời, theo tác giả cũng không quá phức tạp, chỉ cần hệ thống lãnh đạo thôi bệnh hoạn, được lành mạnh và người dân từ nghèo tới giàu được thực sự hiểu biết, được hành xử văn minh trong một sinh quyển tự do, tự chủ và văn minh. Tuy nhiên, những điều này lại là giấc mơ quá xa vời, khi dân tộc vẫn còn sống dưới ách độc tài.
Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Vì sao “Trùm làm án oan” Nguyễn Hòa Bình bị ông Tổng “hắt hủi”
>>> Được “bác Trọng” sủng ái, “nữ tướng” Trương Thị Mai cũng theo mẫu “1 mông 2 ghế”
>>> Cựu Tổng Mạnh “răng chắc sức bền” nhưng yếu, Tổng Trọng “y cà lếch” lại như voi
Chuyên gia: Cần thay đổi thể chế để thoát bẫy thu nhập trung bình