Link Video: https://youtu.be/JUOOekQ8iU8
Ngày 7/3, trang Tiếng Dân đăng tải bài bình luận chính trị “Trọng và Thưởng khác nhau thế nào?” của tác giả Jackhammer Nguyễn.
Tác giả dẫn ý kiến của Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, cho rằng, việc thăng tiến của ông Võ Văn Thưởng là một trường hợp độc đáo, có thể là bước ngoặt của chính trị Việt Nam. Lý do là ông Võ Văn Thưởng sinh ra ở miền Bắc và trưởng thành ở miền Nam, một sự dung hòa để vượt qua một luật bất thành văn, rằng những nhân vật “lý luận Cộng sản” phải có gốc gác miền Bắc.
Tác giả cho rằng, bước ngoặt giả định của ông Thayer sẽ được chứng minh trong vài năm tới, với việc, liệu ông Thưởng có được làm Tổng Bí thư Đảng hay không.
Theo tác giả, dù ông Thưởng không có gì sáng chói, nhưng ông lại có một đức tính làm cho ông thăng tiến nhanh trong xã hội Cộng sản, đó là nhẫn nhục, dĩ hòa vi quý, tròn trịa không góc cạnh, không tranh cãi…
Tác giả cho biết, đây cũng là điều mà ông Nguyễn Hữu Liêm, một tiến sỹ triết học ở Mỹ, đã nhận định với BBC tiếng Việt: “Võ Văn Thưởng là một hiện tượng quyền lực trong một truyền thống và thể chế biết tận dụng những nhân sự ngây ngô, không bản lãnh, chỉ biết ngoan ngoãn tuân theo ngôn ngữ và tập quán chế độ”.
Ngoài ra, tác giả nhận định, ông Thưởng còn có một điểm đặc biệt về nhân thân khiến ông Nguyễn Phú Trọng tin tưởng và có thể chọn làm người kế vị. Đó là, ông Thưởng hoàn toàn là một sản phẩm nội địa, không bị nhiễm văn hóa phương Tây như các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam vừa bị mất chức. Sản phẩm nội địa như ông Thưởng hiện nay khá hiếm, vì con cái cán bộ to nào mà chả đi phương Tây để du học?!
Thế nhưng, tác giả nhận xét, ông Thưởng lại làm cho ông Liêm sai trong nhận định trước đây của ông, rằng ông Trọng, đương kim Tổng Bí thư Đảng, là “người Cộng sản” cuối cùng. Vì ông Thưởng rất giống ông Trọng ở con đường học hành và hoạn lộ, nên tác giả đặt câu hỏi, chẳng lẽ ông Thưởng lại là một người Cộng sản cuối cùng tiếp theo?
Tuy nhiên, tác giả cũng tự phủ định, ông cho rằng, chẳng có ông nào “Cộng sản”, mà ông nào cũng là “Cộng sản” cả. Các ông Trọng, Thưởng, hay Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng… nên được gọi là các ông “thuần Đảng” thì đúng hơn. Mà chữ “Đảng”, từ hơn 30 năm qua đâu có nghĩa chỉ là … Cộng sản, mà là quyền lực. Cái quyền lực ý thức hệ lạ lùng ám chướng tầng lớp tinh hoa đang cai trị Việt Nam hiện nay. Nó giống như cái khái niệm “thiên tử” ngày xưa của chế độ phong kiến.
Mặt khác, tác giả phân tích, giữa ông Trọng và ông Thưởng cũng có một điểm khác biệt. Đó là, ông Thưởng dù sinh ra ở miền Bắc, nhưng lại lớn lên ở miền Nam. Vào giai đoạn trưởng thành, ông chứng kiến một không khí khá cởi mở, trong đó, người ta công khai chỉ trích cái “nghề cán bộ Đoàn” của ông, người ta biết được sự kiện Thiên An Môn, biết được Gorbachev thay đổi Liên Xô. Chắc là ông Thưởng có đọc, hoặc ít nhiều nghe nói tới các tác phẩm văn chương, nghệ thuật vào thời điểm tự do nhất của xã hội Việt Nam trong gần 50 năm qua, như là: Cù lao Tràm, Cái đêm hôm ấy… đêm gì, Tướng về hưu, Nhân danh công lý… Cũng vì lớn lên ở miền Nam nên ông Thưởng tiếp xúc được với một văn hóa tự do, “tàn dư chế độ cũ”, của Việt Nam Cộng hòa trước đây. Trên đường phố Sài Gòn, chắc chắn ông có nghe người ta nghêu ngao những bản nhạc của Lam Phương, trong các khu học xá đại học, chắc hẳn ông chứng kiến các sinh viên say mê nghe nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy…
Cuối cùng, tác giả nêu quan điểm, sự khác biệt giữa ông Thưởng và ông Trọng dù sao cũng là một sự chuyển dịch nội tại của tầng lớp cầm quyền ở Việt Nam, của xã hội Việt Nam, nếu như ông cán bộ Đoàn Võ Văn Thưởng tiếp tục thăng tiến làm người đứng đầu Đảng trong vài năm tới.
Trước mắt, ông Thưởng là một giải pháp có vẻ tối ưu cho cuộc khủng hoảng cán bộ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn năm năm qua.
Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Xã hội Việt Nam có thực sự bình yên hay không?
>>> Chuyên gia: Cần thay đổi thể chế để thoát bẫy thu nhập trung bình
>>> Vai trò của tân Chủ tịch nước và xu hướng nhân sự cấp cao
Chủ tịch nước có những quyền hạn gì?