Sau khi Đại tướng Công an Tô Lâm chính thức trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bất ngờ xuất hiện trở lại liên tiếp.
Trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện các câu hỏi về tương lai của cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng sẽ ra sao? Liệu ông Ba Dũng và Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ “giải oan” cho ông Đinh La Thăng – một người được cho là đàn em thân cận của ông Ba Dũng.
Được biết, hiện nay ông Đinh La Thăng đang thụ 2 bản án hơn 30 năm tù, với tội danh cố ý làm trái và thất thoát tài sản của nhà nước. Theo giới thạo tin, ông Đinh La Thăng đã bị cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “xử lý”, vì là đàn em thân cận của ông Ba Dũng. Cho đến nay, ông Đinh La Thăng vẫn là trường hợp duy nhất là Ủy viên Bộ Chính trị đã bị khởi tố bắt giam.
Theo giới quan sát, cho đến nay chưa có thông tin chính thức nào, về việc ông Đinh La Thăng sẽ được trả tự do trong tương lai gần. Cho dù mới đây, cựu Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh được Tổng Bí thư Tô Lâm giải oan, và còn được nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng là đối thủ chính trị của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người đã khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng “đốt lò”, nhắm vào nhiều đồng minh của ông Dũng. Nếu có sự ân giảm hình phạt với ông Đinh La Thăng vào thời điểm hiện nay, điều đó sẽ đầy tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ nội bộ, nếu không nhận được sự đồng thuận ở mức độ cao.
Theo giới phân tích quốc tế, vụ án của ông Đinh La Thăng là một phần của chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất, trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, được khởi xướng bởi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chiến dịch này đã dẫn đến việc truy tố và kết án nhiều quan chức cấp cao, bao gồm cả ông Thăng, với các tội danh liên quan đến quản lý kinh tế và tham nhũng.
Đây không chỉ là một nỗ lực chống tham nhũng, mà còn phản ánh sự căng thẳng giữa các phe phái trong Đảng, đặc biệt là giữa phe bảo thủ và phe được cho là theo xu hướng cải cách.
Theo đó, việc ông Đinh La Thăng bị kết án 30 năm tù là một thông điệp mạnh mẽ từ phía Đảng và Nhà nước Việt Nam về việc không khoan nhượng với vấn nạn tham nhũng, ngay cả với những lãnh đạo cấp cao.
Việc xử lý ông Thăng đã cho thấy đây là một phần của nỗ lực củng cố quyền lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và phe cánh của ông trong thời gian cầm quyền.
Tại thời điểm hiện nay, nếu ông Đinh La Thăng được trả tự do, điều đó sẽ có ảnh hưởng đến uy tín của Tổng Bí thư Tô Lâm, đặc biệt trong bối cảnh chính trị của chính trường Việt Nam hết sức phức tạp.
Ông Tô Lâm được biết đến là người tiếp tục công cuộc “đốt lò” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Việc ông Đinh La Thăng bị kết án 30 năm tù vì tham nhũng, nếu được trả tự do có thể làm suy yếu hình ảnh của chiến dịch này.
Điều này có thể khiến cho công luận nghi ngờ về tính nghiêm minh, và công bằng của chiến dịch chống tham nhũng của ông Tô Lâm. Đặc biệt khi ông Đinh La Thăng từng là một nhân vật lãnh đạo cấp cao trong Đảng.
Việc trả tự do cho ông Đinh La Thăng có thể được hiểu là một sự nhượng bộ, hoặc thiếu kiên quyết, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ông Tô Lâm trong tư cách là một nhà lãnh đạo cứng rắn và có nguyên tắc.
Hơn thế nữa, việc trả tự do cho ông Đinh La Thăng có thể gây bất mãn đối với công luận, đặc biệt là những người ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng của cố Tổng Bí thư Trọng. Và có thể làm suy yếu niềm tin của người dân vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại thời điểm trước Đại hội 14.
Trà My – Thoibao.de