Từ nòng súng tiến lên đỉnh cao quyền lực, Tô Lâm dạy cách quân đội làm chính trị?

Tình hình trong nội bộ Đảng Cộng sản đang rối ren, cả Bộ Chính trị đều đang cảm nhận mối nguy mà Tô Lâm áp lên họ.

“Lò” vẫn cháy, tuy nhiên, mục tiêu của “lò” lúc này đã khác xa lúc ông Nguyễn Phú Trọng cầm quyền. Thời ông Trọng, những nhân vật thuộc nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh tương đối an toàn. Nay, dưới thời Tô Lâm, dù có là phe chiếm ưu thế về số lượng uỷ viên Trung ương Đảng, thì vẫn bất lực trước một Tô Lâm đang thế thắng.

Mao Trạch Đông từng tuyên bố “quyền lực chính trị phát ra từ nòng súng”. Nay, Tô Lâm đã và đang áp dụng điều này một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong thời chiến, nòng súng do quân đội thực hiện; còn dưới thời bình, nòng súng này thuộc về công an. Nòng súng quân đội cứng nhắc, thiếu uyển chuyển, còn nòng súng công an thì linh hoạt hơn. Bởi công an dùng súng để đe dọa là chính, ít khi nổ súng thật sự. Nhưng ở thời bình, thì chỉ cần hăm dọa thì quan chức đã xanh mặt, vâng lệnh răm rắp.

Không biết, bên quân đội có rút ra được bài học gì từ con đường thâu tóm quyền lực của Tô Lâm hay không? Thực tế, ông Tô Lâm đã xây dựng quyền lực vững chắc, từ cơ sở lên và qua nhiều năm. Khi còn non yếu, ông giấu đi dao găm, tỏ ra là một thuộc hạ dễ bảo, đến khi đủ mạnh thì bung lụa, thực hiện một cú đánh bất ngờ để giành lấy quyền lực.

Tô Lâm xuất thân từ nhà võ, khi thực hiện nhiệm vụ với dân, ông tỏ ra ngang tàng, quân phiệt, không cần luật pháp, không cần lẽ phải vv…. Nhưng với cấp trên, ông lại chấp nhận “nếm mật nằm gai”, tức là chấp nhận thân phận kẻ dưới, chịu nhục thay chủ, để lấy lòng.

Việc ông kéo quân sang tận trời Âu, để bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh, là điển hình cho việc tận tụy vì chủ và chịu nhục thay chủ. Vì lần hành động đó, ông đã bị chính quyền Đức và Slovakia coi là tội phạm.

Tuy nhiên, cũng nhờ đó mà ông được ông Trọng tin tưởng, trao cho nhiều quyền lực hơn. Dưới trướng ông Trọng, Tô Lâm được đảm bảo suất Bộ trưởng Công an, không ai cạnh tranh nổi. Nhờ đó, ông đã biến Bộ Công an thành Bộ Hưng Yên, với hàng loạt đàn em đồng hương Hưng Yên được cất nhắc, án ngữ tại những vị trí chủ chốt. Đồng thời, cũng nhờ nắm giữ Bộ Công an, mà ông có nhân sự để tái thiết Ban bí thư về sau.

Nhìn lại tướng lĩnh quân đội, rõ ràng, họ cứng nhắc, kém linh hoạt hơn Tô Lâm. Suốt 13 năm ông Trọng làm Tổng Bí thư, trải qua các đời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng như Phùng Quang Thanh, Ngô Xuân Lịch và Phan Văn Giang, chưa có bộ trưởng nào chịu làm đàn em tận tụy cho ông Trọng. Đồng thời, không ai gây dựng được một mạng lưới chân rết vững chắc trong quân đội, như Tô Lâm đã làm trong công an. Các đời bộ trưởng Quốc phòng đều không thể kiểm soát được hết hệ thống và các ban bệ trong quân đội.

Chịu sai bảo, nhưng bù lại, lại được bảo kê, bảo đảm vị trí quyền lực. Sau hơn 1 nhiệm kỳ, khi lực lượng trong tay đủ mạnh, và sức khoẻ ông Trọng suy yếu, Tô Lâm mới bất ngờ tạo phản. Dân gian có câu “nuôi quân 3 năm dùng quân 1 ngày”, có thể miêu tả đúng cách mà ông Tô Lâm đã làm. Thậm chí, ông nuôi quan đến 8 năm, qua gần 2 nhiệm kỳ, trước khi cướp ngôi.

Hiện nay, Phan Văn Giang cho thấy, rất có thể, ông sẽ lặp lại vết xe đổ của người tiền nhiệm – Tướng Ngô Xuân Lịch, tức là làm Bộ trưởng 1 nhiệm kỳ rồi rút lui. Dưới thời Phan Văn Giang, quân đội vẫn tồn tại rất nhiều phe phái kèn cựa nhau, vì thế, ông Giang khó có thể tập hợp sức mạnh của quân đội.

Cách Tô Lâm đã làm, là một bài học cho Phan Văn Giang, và cả người kế nhiệm của ông. Phe quân đội cần đầu quân cho 1 “Tứ trụ”, để được che chở, và nhờ đó, vị “Tứ trụ” kia cũng trở nên vững vàng.

Để giành quyền lực với Tô Lâm, không thể không học cách Tô Lâm thành công.

 

Trần Chương – Thoibao.de