Sáng 6/5, đoàn đại biểu lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã vào Lăng viếng Hồ Chí Minh, đồng thời dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Dự lễ viếng lần này vắng nhiều người. Trong đó có ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; cựu Chủ tịch Quốc hội Quốc hội Vương Đình Huệ; cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.
Trong khi đó, phái đoàn này vẫn có các ông bà cựu quan chức, như cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân…
Điều đáng ngạc nhiên là, người đương nhiệm và đứng đầu Đảng Cộng sản là ông Nguyễn Phú Trọng, vì sao không xuất hiện trong phái đoàn viếng theo truyền thống của Đảng?
Thật ra, đây không phải lần đầu ông Trọng vắng mặt tại buổi viếng Lăng và dâng hương như thế này. Mỗi lần ông Trọng vắng mặt đều vì lý do sức khỏe. Ông đã không còn đủ sức để tham gia những buổi họp thường niên, và những buổi viếng Lăng hình thức. Ông chỉ xuất hiện trong những trường hợp tối cần thiết, bởi sức khỏe của ông đang ngày một yếu đi.
Nhiều nguồn tin nội bộ cung cấp cho chúng tôi rằng, hiện nay, Tổng Trọng đã rất yếu. Ông là con bệnh thường trực ở Bệnh viện Quân y 108, thời gian ông gặp bác sĩ nhiều hơn thời gian ông gặp mặt các “đồng chí” của ông, trong đó có Tô Lâm.
Công cuộc “đốt lò” hiện nay là do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm dẫn dắt, áp dụng những quy định mà Tổng Trọng đưa ra, sau khi có kết quả, mới báo cáo lại cho Tổng Bí thư. Có thể nói, Tô Lâm hiện nay có quyền “tiền trảm hậu tấu”, nghĩa là, ông cứ đánh theo ý của ông, rồi giải trình với Tổng Bí thư sau. Hầu hết, những lý do mà ông Tô Lâm đưa ra, đều khiến cho ông Trọng không thể phản bác, và có lẽ cũng chẳng còn sức lực để phản bác. Tuy nhiên, bằng chứng mà Tô Lâm đưa ra là quá rõ ràng, và việc xử lý là theo những quy định do chính ông Tổng ban ra.
Ông Trọng vẫn hô hào là “chống tham nhũng không có vùng cấm”, nhưng thực chất, ông lại âm thầm tạo ra rất nhiều vùng cấm cho các đệ tử của ông trú ngụ. Nay, ông đã lực bất tòng tâm, thường trực trên giường bệnh, nên chỉ biết Tô Lâm báo cáo gì thì nghe nấy. Ông đã không còn khả năng bảo vệ các vùng cấm của ông được nữa. Hơn nữa, nếu ông phản đối Tô Lâm, thì lại “há miệng mắc quai”, nên đành phải chấp nhận.
Chưa bao giờ, cơ hội đến với Tô Lâm lại to lớn như lúc này. Bởi khi ông Tổng phải nằm viện liên tục, ông tự tay giao quyền lực vào tay ông Tô Lâm.
Tất nhiên, Tô Lâm sẽ tận dụng tốt cơ hội này. Đầu tiên, ông cho đánh vào các đệ tử ruột của ông Tổng Bí thư, như Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ. Tiếp theo, rất có thể, ông sẽ chĩa “nòng súng” vào các thành viên Ban Bí thư. Khả năng cao, nạn nhân sắp tới sẽ là Thường trực Ban bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai.
Tại cuộc họp báo ngày 4/5 vừa qua, ông Tô Ân Xô đã khoe, đại ý, Tổng Trọng “đã khen ngợi lực lượng Công an” về thành tích chống tham nhũng, và yêu cầu lực lượng công an “quyết tâm, quyết liệt chống tham nhũng hơn nữa, theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.
Tuy nhiên, không thể xác định, những lời của ông Tô Ân Xô nói, là nhắc lại lời ông Tổng, hay là lời của ông Tô Lâm, theo kiểu nhét chữ vào miệng người khác.
Nếu là lời của Tô Lâm, thì ông mượn uy tín và quyền lực của Tổng Bí thư, để mưu cầu việc lớn. Bởi chính Tô Lâm đã đánh vào tận “sào huyệt” của Tổng Bí thư, rồi lại viện lý do “Tổng Bí thư yêu cầu quyết tâm, quyết liệt chống tham nhũng hơn nữa theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.
Vậy nên, ông Tổng cũng phải chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà thôi.
Hoàng Phúc – Thoibao.de