Để Chủ tịch cấp xã nhận hối lộ 1 ô tô và hơn 5 tỷ: Trách nhiệm thuộc về ai?

Công luận ở Việt Nam thấy rằng, hầu như, tất cả lãnh đạo các cấp trong bộ máy Đảng và chính quyền đều tham nhũng, nhận hối lộ và vi phạm pháp luật.

Từ 2 nhân vật lãnh đạo cấp cao nhất trong Đảng, mới đây cùng bị mất chức, do cáo buộc liên quan đến tham nhũng, đến các lãnh đạo cấp xã cũng tham nhũng tiền tỷ.

Báo Tuổi Trẻ ngày 27/4 đưa tin, “Bắt nguyên Chủ tịch xã Cửa Cạn, thành phố Phú Quốc vì nhận hối lộ 1 ô tô và hơn 5 tỷ đồng”. Bản tin cho hay, với hành vi nhận hối lộ 1 xe ô tô và tiền mặt hơn 5 tỷ đồng, ông Du Việt Thanh – nguyên Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Cửa Cạn, thành phố Phú Quốc, đã bị Công an tỉnh Kiên Giang bắt tạm giam.

Theo đó, Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp Viện Kiểm sát tỉnh, đã bắt ông Du Việt Thanh, 44 tuổi, vào lúc 7h40 sáng cùng ngày.

Theo thông tin ban đầu, Công an Phú Quốc đã mở rộng điều tra một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và phát hiện, nguyên Chủ tịch xã Cửa Cạn, Du Việt Thanh đã nhận hối lộ để “giả vờ không biết”, cho một số người phân lô bán nền đất rừng do Nhà nước quản lý. Ông Du Việt Thanh đã tiếp tay cho những người khác lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân hàng trăm tỉ đồng.

Chuyện lãnh đạo cấp cơ sở, kể cả các viên chức, công chức cấp phường, xã, đua nhau tham nhũng, là điều mà ai ai cũng biết. Nhưng với cái chức quèn như Chủ tịch xã Du Việt Thanh, mà nhận hối lộ 1 xe ô tô và tiền mặt hơn 5 tỷ đồng; hay chuyện nữ Chủ tịch huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương ở Đồng Nai có 178 tỷ đồng trong tài khoản bị bốc hơi, cho thấy một sự hết sức bất bình thường về quy mô của “tham nhũng vặt”.

Báo cáo của Bộ Công an cho biết, trong năm 2023, đã có gần 6.000 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (tăng 11,69%), và 793 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 51,63%). Nổi cộm là các vụ tham nhũng bị đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi và chỉ đạo, như các vụ: FLC; Tân Hoàng Minh; Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á; Công ty AIC v.v…

Điều đó cho thấy, ngày càng có nhiều quan chức của Đảng tham nhũng, và mức độ tham nhũng ngày càng lớn. Một khi “thượng bất chính thì hạ tất loạn”, vì đây là vấn đề mang tính quy luật.

Công luận cho rằng, tình trạng tham nhũng của đất nước “chưa bao giờ có được như hôm nay”. Từ chỗ cấp nhỏ thì ăn nhỏ, cấp lớn ăn lớn, đến nay, đã tiến tới tình trạng nhỏ ăn lớn, lớn ăn lớn nhưng cũng không tha nhỏ. Đúng như lời than vãn của cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan rằng: “cán bộ ăn không chừa cái gì của dân”.

Đó là lý do vì sao, công cuộc chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, càng chống tham nhũng càng tăng. Khởi tố bắt giam mãi vẫn không hết, bắt đến gần hết thành viên giới lãnh đạo, nhưng các đồng chí chưa bị lộ vẫn không sợ, và vẫn tiếp tục tham nhũng. Tới mức, đã trở thành quy luật, số tiền nhận hối lộ tăng lên theo cấp bậc lãnh đạo nắm giữ.

Công luận cho rằng, tham nhũng là một thực trạng cố hữu trong khu vực công, đã và đang làm xói mòn niềm tin của người dân. Đã có những bằng chứng cho thấy, có sự liên kết, móc nối, thậm chí bao che trong hệ thống lãnh đạo cấp cao. Mà đại án “chuyến bay giải cứu” là một điển hình.

Tham nhũng ở Việt Nam tràn lan đến mức mất kiểm soát, thể hiện qua công cuộc “đốt lò” của Tổng Trọng, với hàng loạt quan chức vào tù, lớn cả về số lượng quan tham, lẫn quy mô về chức vụ, và mức độ tham nhũng. Chỉ trong hơn 3 năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội 13, đã có 5/18 uỷ viên Bộ Chính trị phải thôi chức và “chịu trách nhiệm chính trị” trước Đảng, hàng chục uỷ viên Trung ương Đảng bị kỷ luật và truy tố.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam và ông Nguyễn Phú Trọng chưa có một giải pháp chống tham nhũng nào cho phù hợp. Thể chế chính trị Việt Nam hiện nay, không có “tam quyền phân lập”, không có tư pháp độc lập. Đó là nguyên nhân vì sao, Đảng đóng vai trò vừa là quan tòa, đồng thời cũng là kẻ trộm. Ông Trọng đã chỉ thị “đánh chuột không để vỡ bình”, bởi lý do như vậy.

Muốn giảm thiểu tham nhũng, không chỉ cần phải có “tam quyền phân lập” trong thể chế, cần tư pháp độc lập, mà còn cần phải có sự giám sát từ người dân và các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Đồng thời, phải bổ sung hình phạt nghiêm khắc hơn, với mức phạt bổ sung ít nhất phải tương ứng với số tiền đã tham nhũng, đã thất thoát do lỗi cố ý.

Quan trọng hơn, muốn chống được tham nhũng, thì những người lãnh đạo cao nhất của Đảng phải dứt khoát không được tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực./.

 

Trà My – Thoibao.de