Chuyến đi Bắc Kinh của ông Vương Đình Huệ đặt ra nhiều dấu hỏi to tướng về mục đích. Dấu hỏi thứ nhất là, vì sao lại có chuyến đi dài ngày đến như vậy? Thứ nhì là, vì sao ông Triệu Lạc Tế gửi lời mời với người đồng cấp Việt Nam, mà Vương Đình Huệ đến Bắc Kinh gặp ngay Tập Cận Bình?
Kết hợp với tình hình chính trị nội bộ đang rối ren tại Việt Nam, không khó để nhận ra mục đích thật sự của chuyến đi. Dư luận nói rằng, ông Huệ đi “chầu thiên triều”, để cầu cứu Tập Cận Bình cho mục đích giành/ giữ quyền lực chính trị của phe phái mình.
Cho đến nay, ghế Chủ tịch nước vẫn còn để trống, vì các phe chưa đạt được thoả thuận. Quyền lợi mâu thuẫn, không bên nào chịu thiệt, khiến mọi việc trở nên bế tắc.
Hiện nay, ghế Chủ tịch nước là vị trí thể hiện thế trận giữa các bên. Ví dụ, nếu ông Tô Lâm lên được chức Chủ tịch nước, đồng thời Lương Tam Quang hay Nguyễn Duy Ngọc nắm ghế Bộ trưởng Bộ Công an, thì ưu thế nghiêng về phe Tô Lâm. Nhưng nếu Tô Lâm lên Chủ tịch nước, mà Phan Đình Trạc lại nắm Bộ trưởng Bộ Công an, thì xem như, số phận Tô Lâm lành ít dữ nhiều.
Có rất nhiều khả năng có thể xảy ra, mỗi khả năng ứng với một thế trận khác nhau giữa các bên. Mà bên nào cũng muốn phe mình chiếm ưu thế, nên cuộc ngã giá đi vào bế tắc.
Mà việc bế tắc này cho thấy, mỗi bên đều có lợi thế riêng. Không bên nào có thế mạnh tuyệt đối, mà cũng chẳng bên nào yếu tuyệt đối. Có thể, Vương Đình Huệ thì coi Tô Lâm là kẻ “phá đám”, đạp đổ mâm cỗ của nhóm Nghệ An. Còn Tô Lâm có thể lại nghĩ rằng, Vương Đình Huệ “ngồi mát ăn bát vàng”. Và vì thế mà cuộc tranh giành mới diễn ra.
Giữa lúc tình hình cuộc đấu bất phân thắng bại, thì ông Huệ lại sang thăm Trung Quốc. Điều đáng nói là, ông vừa sang, không hội đàm với người đồng cấp Triệu Lạc tế, mà gặp ngay Tập Cận Bình. Điều đó cho thấy, phe của Vương Đình Huệ đã rất sốt ruột. Không biết, kết quả “vừa chầu vừa xin ban ơn” có lợi cho Vương Đình Huệ và phe của ông hay không. Nhưng chắc chắn, ông Huệ đang mang quyền quyết định vận mệnh chính trị của Việt Nam, trao cho Tập Cận Bình.
Đấy là hành động bán rẻ giang sơn cho ngoại bang.
Về phần Tô Lâm, ông ta cũng chẳng khá hơn Vương Đình Huệ. Hồi giữa tháng 9/2023, Tô Lâm đã nhanh nhẹn sang Bắc Kinh, ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Có lẽ, Tô Lâm biết, Tập Cận Bình cần “báo cáo” về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, nên ông đã khăn gói sang Bắc Kinh ngay lập tức
Đảng Cộng sản càng loạn, người dân sẽ càng khó có cơ hội được hưởng tự do dân chủ. Bởi khi nội bộ Đảng không thể đạt được thỏa thuận phân chia ghế, thì họ chạy sang Bắc Kinh cầu viện, với hy vọng, “Hoàng đế Bắc Triều” chiếu cố cho quyền lực của mình. Tất nhiên, Tập Cận Bình sẽ ra điều kiện. Ai thỏa mãn cho Tập điều kiện tốt nhất, thì kẻ đó sẽ có được cơ hội lớn hơn.
Thói quen này của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã khiến cho Việt Nam ngày càng lún sâu hơn vào vòng kiềm tỏa của Trung Quốc, khiến cho cơ hội thoát Trung của Việt Nam ngày một xa dần.
Năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Tập Cận Bình, và đã ký 17 văn kiện. Trong đó có văn kiện giao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam. Đây là bước đi vô cùng nguy hiểm cho đất nước. Nhưng đổi lại, ông Trọng trở thành thế lực vô đối trên chính trường một thời gian dài.
Giờ đây, Vương Đình Huệ đi “chầu” Bắc Kinh, ắt không thể chỉ có cầu viện, mà không có quà. Món quà đó là gì thì chỉ có giới lãnh đạo biết, người dân không có cơ hội biết được.
Quyền lợi của đất nước này còn khá nhiều, cứ mỗi lần đi chầu thì mang sang dâng, đấy là cách họ bán rẻ giang sơn. Họ “tùng xẻo” giang sơn để bán từng đợt, mà không bán một lần, nên rất khó nhận ra.
Trần Chương – Thoibao.de