Ở Hội nghị lần thứ 34 và 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Cẩm Tú đã lên danh sách kỷ luật đối với 3 nhân vật lớn. Đó là ông Trần Tuấn Anh – Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Trịnh Đình Dũng – cựu Phó Thủ tướng, và ông Mai Tiến Dũng – cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Danh sách này đã được Bộ Chính trị và Ban Bí thư xem xét.
Ngày 27/1, Bộ Chính trị họp để bàn về quyết định kỷ luật. Theo đó, ông Mai Tiến Dũng và ông Trịnh Đình Dũng bị nêu tên. Trong khi, tên của ông Trần Tuấn Anh không được nhắc đến, mà thay vào đó, Bộ Chính trị nhắc đến Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công thương nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Ai cũng biết, người đứng đầu Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công thương nhiệm kỳ 2016 – 2021 chính là ông Trần Tuấn Anh. Vậy tại sao không kỷ luật người đứng đầu, mà lại kỷ luật tập thể? Đây là chiêu né trách nhiệm cho người đứng đầu, bởi kỷ luật một tập thể, nhất là khi tập thể đó đã không còn tồn tại, thì cũng như không kỷ luật, vì chẳng có ai phải chịu trách nhiệm.
Ông Trần Tuấn Anh gây ra rất nhiều tai tiếng từ khi ông còn tại chức Bộ trưởng Bộ Công thương. Ở Đại hội 13 vào đầu năm 2021, ông Trần Tuấn Anh không đủ phiếu để ở lại Trung ương Đảng, nhưng bất ngờ ông lại được vào Bộ Chính trị. Người được cho là đã nâng đỡ con trai ông Trần Đức Lương, không ai khác chính là Trưởng tiểu ban Nhân sự Đảng – ông Nguyễn Phú Trọng. Có thông tin còn cho biết, đã có cuộc gặp riêng giữa ông cựu Chủ tịch nước và ông Tổng Bí thư, trước thềm Đại hội 13 này.
Hiện nay, trong Ban Bí thư có 5 ủy viên Bộ Chính trị, đó là: Nguyễn Phú Trọng, Trương Thị Mai, Trần Cẩm Tú, Phan Đình Trạc và Nguyễn Hòa Bình. Nếu tính thêm Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Tô Lâm, Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Xuân Thắng, thì phe ông Tổng có khoảng 10 người, trong tổng số 16 uỷ viên Bộ chính trị. Cho nên, chỉ cần ông Tổng quyết định không kỷ luật Trần Tuấn Anh, thì Bộ Chính trị sẽ không kỷ luật.
Bộ Công thương là Bộ lớn, được ông Nguyễn Tấn Dũng hợp nhất từ Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại. Từ khi thành lập tới nay, Bộ này trải qua 3 đời Bộ trưởng, nhưng Bộ trưởng nào cũng đầy sai phạm. Ông Bộ trưởng đầu tiên là Vũ Huy Hoàng, đã bị ông Trọng cho xộ khám. Hai ông Trần Tuấn Anh và Nguyễn Hồng Diên chưa hề hấn gì, mặc dù cả hai đã và đang có quá nhiều sai phạm.
EVN và Bộ Công thương cần một cuộc đại phẫu, và báo chí đã nhắc tên rất nhiều lần. Tuy nhiên, việc bao che một cách bất chấp cho Trần Tuấn Anh, một lần nữa cho thấy, Tổng Trọng đang chống tham nhũng bằng cách tạo rất nhiều vùng cấm.
Tại kỳ họp ngày 27/1, Bộ Chính trị đã kỷ luật hai ông cựu Thứ trưởng Bộ Công thương, là ông Hoàng Quốc Vượng và ông Đỗ Thắng Hải. Hai ông này đã bị Tô Lâm cho bắt giam ngày 20/1 vừa qua. Điều đáng nói là, cả 2 người này đều là kẻ thừa hành, thì lại bị bắt, còn người ra chủ trương và trực tiếp chỉ đạo là Trần Tuấn Anh, thì lại không bị kỷ luật?
Để hốt quan tham quẳng vào lò, ông Nguyễn Phú Trọng đã đan tấm lưới dày, để có thể gạn hết quan tham, từ quan nhỏ ở cấp tỉnh đến quan to ở Trung ương. Tuy nhiên, dù lưới ông Trọng có thể bắt được những con cá bé xíu, nhưng lại để lọt lưới cá gộc. Chống tham nhũng mà chỉ bắt kẻ thừa hành, và buông tha cho kẻ đầu sỏ, thì chống thế nào được? Việc ông Trọng đang làm là chỉ đi tỉa cành, mà không nhổ tận gốc. Kết quả là, cây vẫn đâm chồi mới, thậm chí còn có phần tươi tốt hơn lớp cành cũ.
Ông Nguyễn Hồng Diên cũng là một Bộ trưởng kém năng lực. Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng chỉ kỷ luật khiển trách Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công thương nhiệm kỳ 2021 – 2026 mà không đả động đến người đứng đầu. Với cách kỷ luật này, thì có thể nói, Bộ Công thương là một ổ “tiêu cực”. Nó sẽ phát triển ngày một lớn hơn và thủ đoạn ngày một tinh vi hơn.
Ý Nhi – Thoibao.de
28.1.2024