Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN là một doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ Công thương. Công luận lâu nay vẫn cho rằng, EVN là một doanh nghiệp tai tiếng nhất. EVN kinh doanh độc quyền, thường xuyên lấy lý do thua lỗ để tăng giá điện.
Lần tăng giá điện gần nhất là vào cuối năm 2023. Được biết, ngay khi tăng giá điện xong, lập tức, EVN có thêm 3.200 tỷ đồng. Vậy mà, cơn “khát tiền và báo lỗ” vẫn chưa chấm dứt.
Báo Tuổi Trẻ ngày 26/1, có bản tin “Bộ Công thương lại kiến nghị điều chỉnh tiếp giá điện trong năm 2024”. Bản tin cho biết, mặc dù đã 2 lần tăng giá điện trong năm 2023 (với mức 3% và 4,5%), song đến nay, khoản lỗ của EVN vẫn chưa thể khắc phục. Một lần nữa, Bộ Công thương lại kiến nghị về việc điều chỉnh giá điện trong năm 2024, để giải quyết tình trạng thua lỗ.
Theo báo cáo của EVN gửi Bộ Công thương vào tháng 12/2023, cho biết, EVN trong năm 2023 đã lỗ 17.000 tỉ đồng, do giá nhiên liệu cho sản xuất điện và tỉ giá ngoại tệ tăng cao.
Giới phân tích thấy rằng, trong các bộ ngành thuộc Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn EVN nằm trong số những đơn vị bê bối nhất trong những năm gần đây. Việc để tình trạng thiếu điện, cắt điện hàng loạt ở các địa phương, vào những ngày nắng nóng trong tháng 5 và 6/2023, đã gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân và hoạt động kinh doanh sản xuất.
Lãnh đạo Việt Nam đã có những biện pháp xử lý mạnh đối với các lãnh đạo Bộ Công thương và EVN. Cả hai Thứ trưởng Bộ Công thương là ông Hoàng Quốc Vượng và ông Đỗ Thắng Hải đều đã bị khởi tố và bắt tạm giam, trong tháng 1/2024. Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam nhiều lãnh đạo của EVN, cũng như các đơn vị thành viên. Nhưng hầu như, Chính phủ vẫn tỏ ra bất lực trong việc xử lý triệt để các sai phạm của EVN.
Mới nhất, ngày 27/1, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ra thông báo, kỷ luật ở mức “khiển trách” đối với ông Trịnh Đình Dũng – cựu Phó Thủ tướng; và ông Mai Tiến Dũng – cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, vì những sai phạm liên quan đến Bộ Công thương trước đây. Công luận thấy rằng, với hình thức kỷ luật “giơ cao đánh khẽ” như thế, thì không có tác dụng răn đe.
Đáng chú ý, khi truyền thông nhà nước ngày 27/1 đưa tin, Bộ Chính trị công bố hình thức kỷ luật đối với ông Trịnh Đình Dũng và Mai Tiến Dũng, nhưng không thấy tên ông Trần Tuấn Anh. Vậy ông Trần Tuấn Anh có bị kỷ luật không, nếu bị thì kỷ luật thì ở mức độ nào? Hay là vẫn “bình an vô sự”?
Vào trung tuần tháng 12/2023, ông Trần Tuấn Anh đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là có sai phạm liên quan điện gió và cung ứng xăng dầu, khi còn làm Bộ trưởng Công thương. Những vi phạm của Trần Tuấn Anh đã bị kết luận là “gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục; nguy cơ thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của nhà nước”.
Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội và các diễn đàn chính trị, đã có những ý kiến cho biết, “các sai phạm của ông Trần Tuấn Anh sau đó bỗng nhiên được biên tập lại, bỏ từ “rất” và chỉ còn ở mức nghiêm trọng”.
Điều vừa kể được cho là giúp ông Trần Tuấn Anh thoát tội, và tránh được việc bị xử lý hình sự khởi tố bắt giam, cùng lắm là chỉ bị cho hạ cánh an toàn.
Xin được nhắc lại, giới thạo tin tiết lộ, kẻ đứng sau “giật dây” Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), và là tổng chỉ huy nhóm lợi ích điện lực, không ai khác chính là ông Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Công luận đặt câu hỏi, tại sao những sai phạm trầm trọng của cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, là những sai phạm mang tính hệ thống trong cả nhiệm kỳ Đại hội 12, nhưng không bị xử lý. Thậm chí, Tổng Trọng còn đưa Trần Tuấn Anh vào danh sách nhân sự chủ chốt, để cơ cấu đưa vào Bộ Chính trị Đại hội 13, giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương?
Liên quan đến việc nhà nước liên tiếp tăng giá điện một cách tùy tiện, dư luận cho rằng, đó là chủ trương chung của Đảng, biến EVN trở thành một cỗ máy in tiền. Luật sư Đặng Đình Mạnh khẳng định, quyết định tăng giá điện thì chỉ có “Đảng mới có thẩm quyền đó”.
Nhận định đó phù hợp với việc dư luận xã hội vẫn cho rằng, một chủ trương lớn của Đảng lâu nay, đó là họ vẫn duy trì một “con ngáo ộp” có tên EVN, và sử dụng như một thứ bung xung, để trút hết tội vạ, kể cả việc tăng giá điện.
Nghĩa là, lãnh đạo EVN và cấp trên là lãnh đạo Bộ Công thương, chỉ thay mặt cho Đảng trong việc tùy tiện tăng giá điện. Cho nên, không ngạc nhiên khi các đời lãnh đạo Bộ Công thương tội trạng tày đình, mà vẫn yên vị, vẫn thăng tiến, cuối đời lại được “hạ cánh an toàn”.
Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chính là một điển hình?./.
Trà My – Thoibao.de
28.1.2024