Chiều 5/1, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2023, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – cho biết, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. Nếu tính trên cơ sở dư nợ hiện nay khoảng 13,56 triệu tỷ đồng, thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế.
Hai triệu tỷ tương đương với 83 tỷ đô la Mỹ – một con số rất lớn. Năm 2023, tình trạng doanh nghiệp Việt khốn đốn và nền kinh tế trì trệ thể hiện rất rõ ràng.
Doanh nghiệp giải thể lên đến vài trăm ngàn. Công nhân thất nghiệp, không có việc làm lên đến hơn triệu người. Tình hình kinh doanh tại các chợ truyền thống, siêu thị, rất ảm đạm.
Ngay cả tháng giáp Tết này, vốn là dịp mà các doanh nghiệp, tiêu thương, hoạt động mạnh nhất, nhưng nay lại rất đìu hiu. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng Tết đang rất thận trọng, không dám nhập và trữ hàng, vì sức mua năm nay yếu hẳn. Mặt bằng kinh doanh bị trả hàng loạt, người cho thuê bỏ nhà hoang, người thuê thì làm ăn ế ẩm nên phải trả. Phố phường đìu hiu, dự báo cho một cái Tết không vui cho nhiều người.
Trong tình hình như thế, việc bơm tiền vào nền kinh tế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, và tiêu dùng, là điều cần thiết. Quốc gia nào cũng sẽ làm tương tự.
Tuy nhiên, việc bơm tiền vào nền kinh tế thì phải lựa chọn cách bơm như thế nào để có hiệu quả, để kích cầu nền kinh tế. Và quan trọng nhất là, đừng để số tiền đó rơi vào những đại gia thuộc các nhóm lợi ích, còn người dân nghèo thì vẫn chẳng được hưởng gì. Nếu cứ để tình trạng các chính sách nhà nước chỉ làm lợi cho một nhóm nhỏ, thì có bơm bao nhiêu tiền cũng chỉ khiến chênh lệch giàu nghèo lớn hơn, làm tăng bất công xã hội.
Hồi tháng 9/2023, khi ông Srettha Thavisin đắc cử Thủ tướng Thái Lan, ông đã thực hiện lời hứa là chi 560 tỷ baht (16 tỉ USD) cho 55 triệu người trưởng thành, trong 6 tháng tới, để thúc đẩy chi tiêu và đầu tư trong nước.
Đây cũng là cách bơm tiền của Chính phủ Thái, với số tiền gần gấp đôi số 2 triệu tỷ mà chính quyền Cộng sản Việt Nam dự định sẽ bơm ra, trong năm 2024. Tuy nhiên, điểm khác biệt là, Thái Lan phát tiền cho dân để dân tiêu xài, từ đó kích cầu nền kinh tế. Số tiền này đều chảy vào tay người dân, không ai được phép dùng đặc quyền đặc lợi để gom phần lớn vào tay mình. Bơm tiền như thế này sẽ thực hiện công bằng xã hội, thay vì đẩy thêm bất công xã hội nếu bơm tiền theo kiểu Việt Nam.
Thực tế, việc bơm 2 triệu tỷ này, chủ yếu là những doanh nghiệp thân hữu được hưởng. Mà những doanh nghiệp thân hữu tại Việt Nam, thường là những kẻ chỉ biết phá nát nền kinh tế, gây mất cân bằng xã hội, và đẩy bất công xã hội lên cao.
Ở Việt Nam, chính những doanh nghiệp bất động sản, những doanh nghiệp được nhà nước cứu hết lần này đến lần khác, đã đẩy giá bất động sản vượt quá xa khả năng của người dân, gây mất cân bằng cho xã hội. Người có nhu cầu thì không thể đủ tiền mua nhà. Trong khi, nhà do các doanh nghiệp xây ra không ai mua, hoặc mua không phải để ở, nên tạo ra các đô thị ma. Rồi đến khi những doanh nghiệp này lâm nguy, lại la toáng lên đòi nhà nước cứu.
Tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam không chia đều 2 triệu tỷ để phát cho dân, như Thái Lan? Đảng vẫn hô hào “nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, và vì dân” cơ mà? Sao lại để cho dân đói meo râu như thế? Đơn giản, Đảng chỉ hô “vì dân” trên khẩu hiệu. Còn thực tế, Đảng chỉ vì Đảng, vì đảng viên, và vì các thân hữu của họ, chứ chẳng vì dân nào cả. Đảng luôn coi dân là nguồn lợi để khai thác. Không bao giờ Đảng lại bơm cho dân nghèo.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao Đảng không bơm tiền vào nền kinh tế bằng cách phát tiền cho dân, mà lại hạ lãi suất cho vay? Dân mình khá đông, nếu phát tiền cho dân thì cũng không đủ để mua đất, nên họ sẽ đem đi chi tiêu. Như thế, sẽ giúp kích thích kích tế, đồng thời, tránh được việc thổi giá bất động sản lên trời. Nếu cho vay thì người giàu sẽ hưởng lợi, vì có vốn rẻ để đầu cơ.
Ngoài ra, như thành phố Hồ Chí Minh, nếu gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn nhà nước, thì tại sao không miễn thuế cho dân? Thay vì thu thuế nộp ngân sách, rồi lại lấy tiền đó bơm vào thị trường, thì miễn giảm thuế luôn cho dân, đồng thời, tiền dự định dùng để bơm vào thị trường, thì giữ lại cho ngân sách, có hay hơn hay không?
Nhưng không! Nhà nước không làm như vậy, họ chỉ muốn làm sao cho những kẻ thân hữu được hưởng lợi, còn dân nghèo thì mơ đi!
Ý Nhi – Thoibao.de
7.1.2024