Cái ghế Chủ tịch nước không ai thèm ngồi cũng có cái lý của nó. Đây là vị trí được xếp thứ 2 trong tứ trụ, nhưng thực quyền thì không có. Võ Văn Thưởng phải ngồi vào ghế Chủ tịch nước là sự gượng ép, bởi trong hai ứng viên Tô Lâm và Võ Văn Thưởng, thì Tô Lâm né giỏi hơn, nên tránh được chiếc ghế hữu danh vô thực này.
Trần Đại Quang từng là người thét ra lửa ở Bộ Công an, nhưng sau khi ngồi vào ghế Chủ tịch nước, thì lại trở thành “đại bàng gãy cánh”. Ông Quang không tự bảo vệ mình trước người đồng chí.
Sau khi ông Trần Đại Quang chết, thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng muốn ôm luôn ghế này. Tuy nhiên, đến Đại hội 12 thì ông Trọng chê, vứt chiếc ghế này cho Nguyễn Xuân Phúc ngồi tạm. Khi đó, Nguyễn Xuân Phúc thất thế, nếu không ngồi vào ghế Chủ tịch nước thì cũng về nhà “đuổi gà cho vợ”, nên tạm chấp nhận chiếc ghế này.
Giờ đây, đến lượt ông Võ Văn Thưởng ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Vì ông Thưởng không gây thù chuốc oán với ai, không bị nhiều người ghét, nên có thể tạm an toàn. Tuy nhiên, sau khi ngồi ghế Chủ tịch nước, ông Thưởng bị ông Nguyễn Phú Trọng xem thường ra mặt. Có vẻ như, ông Trọng xem ông Thưởng là “cậu nhóc” không làm nên tích sự gì. Nhiều lần, ông Trọng đã gạt Võ Văn Thưởng sang một bên, cứ như Võ Văn Thưởng là vô hình vậy.
Hồi tháng 9, khi đón Tổng thống Mỹ Joe Biden sang Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã gạt bỏ Chủ tịch nước của Võ Văn Thưởng. Và ông Nguyễn Phú Trọng – người đứng đầu Đảng chính trị lớn nhất và duy nhất ở Việt Nam – lại tiếp người đứng đầu nhà nước Mỹ. Vụ việc này bị cộng đồng mạng lên án, phê phán ông Nguyễn Phú Trọng là xem thường kỷ cương phép nước.
Những tranh cãi rồi cũng tới tai Trung ương. Trong clip bị lộ, ông Hà Kim Ngọc – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói trước các lãnh đạo về hưu ở Câu lạc bộ Thăng Long rằng, sở dĩ Tổng Bí thư tiếp Tổng thống Mỹ, vì Tổng Bí thư là người mời Tổng thống Mỹ sang thăm, chứ không phải Chủ tịch nước mời.
Vậy, câu hỏi đặt ra là, việc mời Tổng thống Mỹ là việc của nguyên thủ quốc gia, tại sao người đứng đầu Đảng lại làm thay? Dù chống chế thế nào thì cũng không thể giấu được hành động gạt bỏ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ra khỏi vai trò của một nguyên thủ, cho dù vai trò đấy chỉ là hình thức, mang tính lễ nghi.
Trong lễ đón tiếp ông Tập Cận Bình, thì chỉ có một mình ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì, mà không thấy bóng dáng Võ Văn Thưởng đâu cả. Ông Tập Cận Bình là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước. Như vậy, theo đúng nghi lễ thì phải là ông Nguyễn Phú Trọng đón tiếp tại Văn phòng Trung ương Đảng, còn ông Võ Văn Thưởng đón tiếp tại Phủ Chủ tịch. Vậy, tại sao ông Trọng lại hất ông Thưởng ra, để bản thân ông chủ trì tiếp đón ông Tập tại Phủ Chủ tịch, nơi ông Thưởng là chủ nhân?
Thật ra, ông Trọng nhả chiếc ghế Chủ tịch nước sau Đại hội 12, từ 3 năm trước, nhưng dường như, ông Trọng vẫn tự xem bản thân ông là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước. Ông tự cho mình là bề trên, còn Võ Văn Thưởng hay Võ Thị Ánh Xuân chỉ là đàn em, là đệ tử để ông tuỳ ý sắp đặt.
Còn nhớ, đêm giao thừa Tết Quý Mão 2023, sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức và bà Võ Thị Ánh Xuân tiếp nhận vai trò Quyền Chủ tịch nước, ông Tổng Bí thư Trọng đã “trồi lên truyền hình” đọc diễn văn chúc Tết, gạt bỏ vai trò của bà Xuân.
Đảng Cộng sản Việt Nam đang có người đứng đầu lạm quyền. Tuy ông Trọng thường lên truyền thông để rao giảng về một thứ pháp quyền, nhưng bản thân ông lại chẳng xem pháp quyền ra gì. Ông vẫn cứ hành động theo ý ông, như một ông vua, không xem luật pháp ra gì và cũng không xem Đảng luật ra gì luôn. Với một thượng “bất chính” như vậy, thì hạ không “tất loạn” mới lạ. Trong Đảng, ông nhỏ lạm quyền nhỏ, ông lớn lạm quyền lớn, chính là học từ ông Tổng mà ra.
Ý Nhi – Thoibao.de