Link Video: https://youtu.be/M2rupx8Ul_c
Ngành năng lượng cần phải đa dạng hóa nguồn cung để đảm bảo tính cạnh tranh, nhằm đem lại lợi ích tối đa cho nền kinh tế, thì Đảng Cộng sản lại cố chấp bảo kê cho doanh nghiệp nhà nước độc quyền. Từ đó, nguồn năng lượng cho nền kinh tế vừa đắt và lại vừa thiếu, đồng thời không ổn định.
Những ai đã từng sống cả ở nước ngoài lẫn trong nước, thì mới thấy, tại các quốc gia không độc quyền bán điện, chuyện mất điện là vô cùng hy hữu. Nói đâu xa, ngay tại Thái Lan, điện dân sinh cực kỳ ổn định, rất hiếm khi mất điện. Nếu có sự cố gây mất điện, thì chỉ trong vài phút sẽ có lại ngay. Không như Việt Nam, EVN muốn cúp điện là cúp, thậm chí cúp điện nhiều giờ, nhiều ngày.
Việc để cho EVN độc quyền mua bán điện, đã đưa đến những hệ luỵ vô cùng tai hại. Những tập đoàn lớn muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam cũng ái ngại về sự ổn định của nguồn điện.
Mới đây, Tập đoàn chip Intel đã quyết định không mở rộng sản xuất tại Việt Nam, một trong những lý do là nguồn điện không ổn định. Chỉ khi Intel công bố ra nguyên nhân này, thì xã hội mới vỡ lẽ, chứ từ bao năm nay, bao nhiêu nhà đầu tư nước ngoài lẳng lặng nói lời “bái bai” với Việt Nam, cũng với lý do tương tự, mà dân nào có biết?
Năm 2022, Việt Nam được hứa hỗ trợ một nguồn vốn đến 15,5 tỷ USD, cho quá trình chuyển đổi giảm sử dụng điện than. Theo thỏa thuận, 47% nguồn điện ở Việt Nam sẽ được chuyển đổi thành năng lượng tái tạo tới năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không dễ dàng để được nhận khoản tài trợ này, mà phải thực hiện theo các cam kết của thoả thuận.
Nhưng hiện nay, những chính sách mà phía chính quyền Cộng sản thực hiện không làm nhà đầu tư an tâm, đặc biệt là những nhà đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng xanh. Mới đây, Orsted – Công ty lớn nhất thế giới về điện gió ngoài khơi của Đan Mạch – đã tháo chạy khỏi Việt Nam. Được các nước giàu tài trợ để chuyển đổi năng lượng xanh, nhưng xem ra, chính quyền Cộng sản không thực hiện nổi.
Báo chí nước ngoài cho biết, “việc không có khung pháp lý dành riêng cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam, là một rào cản rất lớn” để các nhà đầu tư nước ngoài mạnh tay xuống tiền đầu tư. Các tập đoàn lớn của nước ngoài rất minh bạch và rõ ràng. Khi chính quyền Cộng sản không minh bạch, thì không đời nào họ chịu đầu tư.
Theo một người am hiểu về việc làm chính sách, cho biết, hiện nay, Chính phủ đang thực hiện chính sách có lợi cho EVN và nhóm lợi ích ngành điện. Việc không có khung pháp lý dành riêng cho năng lượng tái tạo, là để tạo thuận lợi cho EVN và các doanh nghiệp nhà nước khác liên quan đến ngành năng lượng được hưởng lợi.
Ngành năng lượng, đặc biệt là ngành điện, đang xảy ra hiện tượng tham nhũng chính sách rất nghiêm trọng. Cả hệ thống, từ ông Thủ tướng đến ông Bộ trưởng Bộ Công thương, đều đang tham nhũng chính sách. EVN đang được hai cái ô rất lớn che chở, đó là Bộ Công thương và Chính phủ. Bất kỳ đầu tư nào liên quan đến ngành điện, thì Chính phủ cũng chỉ nghĩ làm sao cho các doanh nghiệp con cưng của mình được làm chủ cuộc chơi, bất chấp hậu quả trong tương lai. Đó là lý do khiến cho EVN ngày càng lộng hành.
Hiện nay, EVN đang soạn Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, để trình Bộ Công thương lấy ý kiến. Quy định này cho phép người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà tự dùng, được kết nối với hệ thống điện và bán sản lượng dư cho EVN, nhưng với giá 0 đồng. Đây là hành động ép dân cướp không điện mặt trời. Họ lấy không của dân, nhưng lại bán điện cho dân với giá rất cao.
EVN đã gần như là đứa con bất trị. Nếu dân dám la làng thì EVN cho tăng giá điện siết cổ, nếu la nữa thì cho cúp điện. Ai làm gì được? EVN là đứa con cưng của Chính phủ, một đứa con nghịch tử nhưng lại được nuông chiều nên mới hành xử như vậy.
Quang Minh
>>> Việt Nam chối bỏ sự thật về người bản địa
>>> Ấn Hoàng Đế Chi Bảo và câu chuyện thật giả
>>> Mỹ theo dõi các động thái của Trung Quốc tại Campuchia
>>> Ý rời khỏi Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc
Thủ Chính cắn nhầm “thuốc” gì mà lại bay bằng đôi cánh ảo giác?