Link Video: https://youtu.be/pANBNxnXkmM
RFA Tiếng Việt ngày 6/12 loan tin “Đàn áp xuyên biên giới: Các chính phủ độc tài cố gắng bịt miệng các phóng viên bao gồm Việt Nam”.
RFA dẫn báo cáo của tổ chức Freedom House công bố ngày 6/12, blogger Đường Văn Thái là một trong hơn 100 nhà báo lưu vong trên toàn cầu, trở thành nạn nhân của đàn áp xuyên biên giới, thực hiện bởi chính phủ của những quốc gia mà họ ra đi.
Từ năm 2014 đến năm 2023, Freedom House ghi nhận 112 vụ đàn áp xuyên quốc gia chống lại các nhà báo, được thực hiện bởi 26 chính phủ. Con số này chỉ là một phần của hiện tượng, vì nhiều vụ đàn áp không được báo cáo hoặc khó xác minh.
Về trường hợp của blogger Đường Văn Thái (còn được biết với tên Thái Văn Đường), Freedom House viết: “Một blogger người Việt đăng những bình luận chỉ trích chế độ độc đảng của nước này, đã biến mất khỏi đường phố Bangkok và xuất hiện trở lại trong một nhà tù ở Hà Nội.”
RFA cho biết, ông Đường Văn Thái, một người thường hay đưa tin về tham nhũng và đấu đá nội bộ giữa các quan chức của Đảng Cộng sản Việt Nam ở cả Trung ương và địa phương, trên Youtube và Facebook, đã phải sang Thái Lan tị nạn từ năm 2018.
Ông được Văn phòng Cao uỷ về Người tị nạn của Liên Hiệp quốc cấp thẻ quy chế tị nạn, và đã được phỏng vấn đi định cư ở một nước thứ ba vào giữa tháng 4. Vài ngày sau, ông mất tích ở gần nhà trọ ở Thanyaburi, tỉnh Pathum Thani, Thái Lan.
Vào ngày 16/4, Công an tỉnh Hà Tĩnh thông báo bắt giữ một người tên Đường Văn Thái, khi người này xâm nhập vào tỉnh này từ Lào. Hơn 3 tháng sau, Bộ Công an công bố giam giữ Đường Văn Thái để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Vẫn RFA cho hay, công an hiện vẫn đang giam giữ ông Thái ở Trại tạm giam B14 (Thanh Trì, Hà Nội), cho dù đã hết thời hạn tạm giam 4 tháng, và không thông báo gia hạn tạm giam cho gia đình.
RFA dẫn lời ông Trần Duy Chiến, một người tị nạn chính trị ở Thái Lan từ năm 2019 và thường xuyên đưa tin về tình hình Việt Nam trên Youtube và Facebook, cho biết:
“Khi chúng tôi bước sang Thái Lan, chúng tôi lên tiếng một cách mạnh mẽ, thì họ có thể cắt cử an ninh mật vụ và Tổng cục tình báo của họ qua, để họ có thể nằm vùng làm gián điệp tại Thái Lan, và tìm kiếm những người nào mà lên tiếng thì họ có thể làm đủ mọi cách để họ bắt cóc đem về Việt Nam, giao cho cơ quan an ninh mật vụ tại Việt Nam. Nguy cơ đó lúc nào cũng tiềm tàng và hiện hữu đối với những người đang lên tiếng tại Thái Lan.”
“Tôi là một Facebooker, một Youtuber và một người viết báo. Trước vụ Thái Văn Đường thì tôi còn ra ngoài đường tôi ngồi livestream, nhưng từ khi nổ ra vụ việc an ninh Cộng sản bước qua bên Thái Lan này bắt Đường Văn Thái, tôi không hề dám bước ra ngoài đường.”
Ông Chiến cũng nhắc lại trường hợp nhà báo Trương Duy Nhất, blogger của RFA, bị bắt cóc ở Bangkok khi vừa nộp đơn xin tị nạn lên Văn phòng Cao uỷ về Người tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Bangkok. Ông bị đưa về Việt Nam và sau đó bị kết án 10 năm tù giam về tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”
Theo RFA, chính phủ nhiều quốc gia đang áp dụng các chiến thuật đàn áp vượt xa biên giới của chính họ, để đối phó với những nhà báo lưu vong, những người đang cố gắng vạch trần tham nhũng, tội phạm, vi phạm nhân quyền và các hành vi lạm dụng khác ở cố quốc.
Freedom House cho biết, có ít nhất 26 chính phủ, bao gồm cả Belarus, Campuchia, Trung Quốc, Iran, Pakistan, Nga và Ả-rập Xê-ut, đã nhắm mục tiêu vào các nhà báo ở nước ngoài, bằng sự đàn áp xuyên quốc gia, khiến sự an toàn và công việc của họ gặp nguy hiểm nghiêm trọng.
Xuân Hưng
>>> Không thích thì cấm – một chủ trương nhất quán của Đảng
>>> Vụ Vạn Thịnh Phát bộc lộ những yếu kém trong quản lý, cản trở tăng trưởng của Việt Nam
>>> Chùa Khmer Krom ở Vĩnh Long bị sách nhiễu
>>> Việt – Nhật nâng cấp quan hệ khiến Bắc Kinh lo ngại
Trung Quốc tiếp tục đối mặt với rủi ro