Cách đây 78 năm, ông Hồ Chí Minh đã mong muốn Việt Nam “sánh vai cùng cường quốc 5 châu”. Nhưng có lẽ, mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ là đừng để các nước nghèo bỏ lại đằng sau, như vậy đã được coi là thành công rồi.
Nếu Đảng Cộng sản có năng lực, thì họ đã không cần đến bộ máy tuyên truyền đồ sộ và bộ máy công an khổng lồ, để bảo vệ họ. Nếu họ có năng lực, thì cần gì phải nặn ra thành tích để tuyên truyền? Nếu Đảng mang lại ấm no, mang lại tự do cho dân, thì cần gì đến công an với tuyên giáo? Khi đó, chính dân sẽ bảo vệ Đảng, chứ Đảng cần chi những thứ đó?
Từ sau thời kỳ “đổi mới” phá bỏ mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, thì đến nay, Đảng Cộng sản đã không còn khả năng đưa nền kinh tế đất nước tiếp tục đi lên được nữa. Người dân trong nước đang cảm nhận rất rõ rằng, họ đang bị bần cùng hóa.
Ngày trước, dân bần cùng hóa vì mô hình kinh tế phá hoại do giới lãnh đạo Cộng sản áp dụng. Ngày nay, dân bị bần cùng hóa vì Đảng chỉ lo vun vén cho lợi ích riêng, trong đó có các nhóm lợi ích cho Đảng – nhóm lợi ích lớn nhất hiện nay.
Các nước tiến bộ dần áp dụng các tiêu chuẩn xanh và mô hình sản xuất tuần hoàn, để bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại. Ngoài việc áp dụng tiêu chuẩn xanh cho hàng hóa sản xuất để tiêu thụ nội địa, thì nay, các nước đều áp dụng tiêu chuẩn xanh cho hàng nhập khẩu. Đây là cách mà các nước giàu đặt ra luật chơi, buộc các nước nghèo phải chạy theo. Việc áp dụng tiêu chuẩn xanh của các nước giàu, sẽ giúp các nước nghèo tiến gần hơn với nước giàu, trong một sân chơi chung.
Bản chất của Đảng Cộng sản là “nói hay nhưng cày dở”. “Nói hay” vì họ có tuyên giáo, có độc quyền báo chí, có cả một bộ máy khổng lồ để khoác lác với toàn dân. Còn “cày dở” là bởi năng lực của họ hạn chế, trong Đảng lại còn hình thành các nhóm lợi ích chỉ biết làm lợi cho họ, còn đất nước thiệt hại thế nào cũng mặc kệ.
Hiện nay, ngành dệt may của Việt Nam đang bị đẩy vào đường cùng, vì Đảng Cộng sản không chịu thực hiện xanh hóa quy trình sản xuất. Trong đó có việc xanh hóa nguồn năng lượng, là một yêu cầu cấp thiết. Việc này phải do nhà nước thực hiện. Tuy nhiên, vì nhóm lợi ích điện than và nhiều nhóm lợi ích khác đang chi phối, nên quá trình xanh hóa năng lượng vẫn chậm như “rùa bò ngửa”.
Việc chuyển đổi xanh gặp trở ngại lớn không chỉ là vấn đề lợi ích nhóm, mà còn là năng lực quản lý đất nước của Đảng Cộng sản nữa. Họ không có năng lực, nguyên nhân là đội ngũ lãnh đạo có quá nhiều tiến sĩ dỏm, toàn thành phần không học mà vẫn có bằng cấp cao. Loại này nhiều như rươi trong Đảng. Loại này, ngoài việc bòn rút để tư túi thì họ làm được gì?
Từ năm ngoái, ngành dệt may Việt Nam đã bị khốn đốn vì tiêu chuẩn xanh của các nước EU. Trong khi đó, Bangladesh – cũng là nước nghèo như Việt Nam – nhưng lại có đơn hàng quá nhiều, đến mức không kham nổi. Được biết, Bangladesh đã nhanh chân trong thực hiện chiến lược “xanh hóa” dệt may. Họ thay đổi bộ mặt cho ngành dệt may rất nhanh. Các nhà máy trước đây có điều kiện tồi tàn, thậm chí là xảy ra tai nạn lao động. Nhưng đến nay, nhiều nhà máy của họ đã đáp ứng được tiêu chuẩn xanh. Bằng chứng là 9/10 nhà máy “xanh” của ngành dệt may lớn nhất thế giới nằm ở Bangladesh.
Hiện nay, Việt Nam đang và sẽ tổ chức nhiều hội thảo về vấn đề chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, những hội thảo này cũng chỉ để cho các diễn giả lên nói luyên thuyên, chứ chẳng xúc tiến được gì.
Ngành dệt may Việt Nam không phải bị tiêu chuẩn xanh thít cổ, mà là bị Đảng đẩy vào thòng lọng cho tiêu chuẩn xanh thít mà thôi.
Ý Nhi – Thoibao.de