Link Video: https://youtu.be/abAFRIx7NmE
Ngày 4/10, VOA Tiếng Việt loan tin “Việt Nam khởi động kế hoạch khai thác mỏ đất hiếm lớn nhất trong nước”
Theo đó, Việt Nam đang lên kế hoạch đấu giá khai thác mỏ đất hiếm lớn nhất trong nước, nhằm tham gia vào chuỗi cung ứng đất hiếm, giữa bối cảnh các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đang nỗ lực giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Theo VOA, ngày 4/10, VnExpress dẫn lời ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE), cho biết, doanh nghiệp này và đối tác Blackstone Minerals (đơn vị đàm phán đấu thầu các mỏ đất hiếm với Việt Nam), đang lên kế hoạch cho cuộc đấu giá khai thác mỏ Đông Pao, rộng rộng hơn 132 ha, ở tỉnh Lai Châu. Đây được xem là mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam.
“Ngay sau khi đấu giá thành công, chúng tôi sẽ sử dụng quặng từ mỏ này và các mỏ sẽ được cấp mới để sản xuất”, ông Tuấn nói.
Được biết, Blackstone Minerals là một công ty của Úc, có nhiều dự án đầu tư đáng kể tại Việt Nam, trong đó có hợp tác khai thác mỏ nickel tại tỉnh Sơn La.
VOA cho biết, đất hiếm là loại khoáng sản đặc biệt dành cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao như: các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, chất phát quang…, để chế tạo điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính, thiết bị cho xe điện…
Một hãng thông tấn quốc tế lớn, hôm 24/9 dẫn lời một quan chức của công ty khai thác đất hiếm do nhà nước kiểm soát Lavreco, nói rằng, việc khai thác hiệu quả mỏ Đông Pao sẽ đưa Việt Nam trở thành nhóm sản xuất đất hiếm hàng đầu.
Tuy nhiên, VOA cho hay, việc tinh chế đất hiếm rất phức tạp và Trung Quốc đang kiểm soát nhiều công nghệ chế biến loại khoáng sản này.
Phía Blackstone nói với hãng thông tấn quốc tế rằng, trữ lượng ước tính của mỏ Đông Pao cũng cần được đánh giá lại, bằng các phương pháp hiện đại. Tuy nhiên, đất hiếm ở mỏ này tương đối dễ tiếp cận và chủ yếu tập trung ở quặng bastnaesite , theo Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội.
VOA dẫn tin từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho hay, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới, với 22 triệu tấn. Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất với 44 triệu tấn, đứng thứ ba là Brazil với 21 triệu tấn.
Tuy nhiên, phần lớn đất hiếm ở Việt Nam vẫn chưa được khai thác, đầu tư không được khuyến khích, vì giá thấp do Trung Quốc ấn định và do nước này gần như độc quyền trên thị trường toàn cầu.
Nói với VnExpress, ông Lưu Anh Tuấn cho biết, về quy trình công việc đã và sắp được thực hiện, là thử nghiệm nguyên liệu đất hiếm trên dây chuyền quy mô nhỏ trong năm 2023; đưa ra quy trình, thiết kế nhà máy khai thác mỏ; thiết kế, đào tạo chuyên gia cho nhà máy phân tách quặng thành sản phẩm đất hiếm đạt độ tinh khiết từ 95% trở lên để đưa vào nhà máy phân ly trong năm 2024.
VOA cho biết thêm, mỏ Đông Pao đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu (Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam), cùng đối tác Nhật Bản khai thác vào tháng 12/2014, nhưng quá trình khai thác vẫn không thể diễn ra, vì nhiều trở ngại về công nghệ và cơ chế.
Đất hiếm là một hỗn hợp quặng gồm 17 nguyên tố kim loại hiếm có. Việc khai thác đất hiếm chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, nguy cơ gây ô nhiễm khi khai thác đất hiếm cũng rất cao. Bởi đất đá thải trong quá trình khai thác quặng được lưu giữ trong các bãi thải lộ thiên, dẫn đến việc các chất độc hại trong đó hòa tan vào nước mưa, lan đến hệ thống nước ngầm và đất đai, gây ô nhiễm.
Tại Trung Quốc, việc khai thác đất hiếm đã gây ô nhiễm sông Hoàng Hà, nguồn nước của hơn 150 triệu dân. Đất đai và nguồn nước ở Quảng Đông cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Hoàng Anh
>>> Lãnh đạo Việt Nam hay mơ ước viển vông
>>> Kênh đào Funan ở Campuchia có thể làm khô kiệt Đồng bằng sông Cửu Long
>>> Chuyên gia Liên Hiệp Quốc lên án vụ thi hành án đối với Lê Văn Mạnh
>>> Ông Thưởng không ngoa ngôn
Giá cổ phiếu VFS của VinFast rơi tự do chưa có điểm dừng