Tại Kỳ họp thứ 32 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Nguyễn Phú Trọng đã cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả kiểm tra vì có dấu hiệu vi phạm, đối với Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Lần này, ông Trọng cho kỷ luật Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh hai nhiệm kỳ 2011 – 2016 và 2016 – 2021. Nguyên nhân được đưa ra là, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong quản lý, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), các công ty trong hệ sinh thái AIC và Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện.
Sai phạm liên quan đến tập đoàn FLC là vụ án nhỏ, vụ án quan trọng nhất là AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, dính đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Bà Nhàn cũng dính đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và vụ án này đã đưa ra xét xử. Cả cựu Bí thư lẫn cựu Chủ tịch tỉnh đều bị lôi ra trước vành móng ngựa. Bà Nhàn có thói quen rải tiền từ cấp Bí thư tỉnh trở xuống, bởi có rải như thế thì mọi sự xét duyệt mới được thông suốt. Liên quan đến dự án Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, thì lãnh đạo tỉnh khóa 2011 – 2016 dính rất nhiều.
Ông Nguyễn Văn Đọc, vốn là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa 2010 – 2015; ông Đỗ Thông và Nguyễn Văn Thành đều là cấp phó cho ông Nguyễn Văn Đọc trong giai đoạn này. Cả 3 người này bị mức án cảnh cáo. Đáng nói là, ông Vũ Văn Diện chính là Giám đốc Sở Y tế thời kỳ ông Nguyễn Văn Đọc làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Như vậy là, ông Nguyễn Phú Trọng đã cho ông Trần Cẩm Tú “nắn gân” Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2010 – 2015, nhưng lại không đả động gì Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2010 – 2015 (chú ý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Bí thư Tỉnh ủy đứng đầu, còn Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh là do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đứng đầu). Trong khi đó, ông Trần Cẩm Tú lại đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015 – 2020, nhiệm kỳ này, ông Nguyễn Văn Đọc làm Bí thư Tỉnh ủy. Như vậy là, ông Nguyễn Phú Trọng né ông Phạm Minh Chính.
Hình thức kỷ luật khiển trách và cảnh cáo được xem là nhẹ. Dư luận đang đợi ông Nguyễn Phú Trọng làm mạnh tay hơn. Bởi cũng với sai phạm tương tự, nhưng tỉnh Đồng Nai lại bay luôn cả Bí thư cùng Chủ tịch và một số giám đốc sở liên quan.
Có thể nói, đối với trường hợp AIC tại Quảng Ninh, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho chuẩn bị khá kỹ, và chính Bộ Công an trực tiếp xử lý vụ án. Với việc đưa ông Đinh Văn Nơi từ An Giang ra Quảng Ninh, được xem là bước chuẩn bị để đánh vụ án lớn. Tuy nhiên, đã hơn một năm, nhưng ông Nơi vẫn chưa giúp được gì cho Tô Lâm trong việc phá vụ án AIC tại đây. Đinh Văn Nơi dám đem quân tới nhà Đỗ Hữu Ca hốt ông này, nhưng ông Nơi chưa dám làm gì những người cấp giám đốc sở, liên quan đến vụ AIC của bà Nhàn tại Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ sờ vào Chủ tịch tỉnh trở xuống, mà chưa động gì đến ông cựu Bí thư tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011 – 2015, thì điều đó có nghĩa là, ông Trọng đang né tránh “vùng cấm”, mặc dù ông vẫn nói hùng hồn rằng: “chống tham nhũng không có vùng cấm”.
Tuyên bố “không có vùng cấm” là việc của ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng người thiết lập vùng cấm đâu phải là ông Trọng, mà là con mồi của ông. Không phải bao giờ kẻ săn mồi cũng có thể nuốt được mồi. Trong một số trường hợp, con mồi có thể phản công ngược lại, hoặc nắm được yếu điểm nào đó của kẻ săn mồi, thì dù muốn phá “vùng cấm”, ông Tổng cũng khó mà phá được.
Hiện nay, ông Tô Lâm vẫn đang ráo riết săn lùng bà Nhàn. Đây được xem là nút thắt quan trọng nhất để gỡ bỏ thế bế tắc của phe ông Tổng. Nếu trước đây, Tô Lâm hợp tác với phía Đức, để dẫn độ Trịnh Xuân Thanh, thì có lẽ hôm nay, việc bắt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, Tô Lâm là tướng “võ biền”, không đủ khả năng kiên nhẫn và suy nghĩ xa đến vậy. Ông ta chỉ biết làm cho được việc trước mắt, và chính vì dùng người như vậy, mà nay, việc giải quyết bài toán AIC Quảng Ninh mới khó đến thế.
Ý Nhi – Thoibao.de