Lo ngại Cảnh sát Giao thông lạm quyền nếu được mặc thường phục khi xử lý vi phạm

Link Youtube: https://youtu.be/nWLREdgLMtA

 

 

Ngày 18/9, RFA Tiếng Việt có bài “Quan ngại về qui định cho Cảnh sát Giao thông được hóa trang khi xử lý vi phạm”.

Theo đó, Cảnh sát Giao thông sẽ được phép hóa trang, phối hợp với lực lượng công khai để tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm từ ngày 15/9, theo thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an.

RFA dẫn ý kiến của một người dân, cho biết:

“Sẽ có rất nhiều chuyện khuất tất, ai biết được đây là dân thường hay Cảnh sát Giao thông? Thứ hai nữa là khi mặc thường phục ở những chỗ không có sự kiểm soát của ngành chức năng, không có gì chứng minh là công an thì không được. Đã là cơ quan công quyền thì phải làm việc cho đàng hoàng, phải có quân phục, phù hiệu.”

 

RFA nhận xét, lo ngại của người này là có cơ sở, vì đã xảy ra nhiều vụ Cảnh sát Giao thông lạm quyền, ăn tiền từ tài xế hay đánh người…

Đơn cử, ngày 26/4/2022, một đoạn clip đăng trên mạng xã hội ghi lại cảnh một Cảnh sát Giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh đã ôm và quật ngã một người đàn ông điều khiển xe máy trên đường. Viên Cảnh sát Giao thông sau đó đã dùng chân đạp vào mặt người đàn ông này.

Hay vụ bốn Cảnh sát Giao thông ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đánh hai nam sinh đi xe máy vi phạm giao thông hồi cuối tháng 9/2022…

RFA dẫn lời cựu Trung tá Quân đội Vũ Minh Trí nhận định:

“Việc này không phải bây giờ mới có mà thực ra có từ lâu rồi. Ở trên mạng có những video clip người dân phát hiện cảnh sát giao thông mặc thường phục nấp bắn tốc độ xe qua lại và báo cho các chốt phía trước. Tôi thấy đối với các cơ quan việc này là rất không nên, đặc biệt đối với ngành Cảnh sát Giao thông. Các cơ quan công quyền làm việc phải danh chính ngôn thuận, quang minh chính đại… Vì đây không phải là cơ quan tình báo, gián điệp, vi phạm giao thông cũng không phải là những tội phạm nghiêm trọng…”

RFA cho biết, từ tháng 10/2022, Bộ Công an đã đưa ra đề xuất, cho Cảnh sát Giao thông mặc thường phục để sử dụng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện người vi phạm, sau đó báo cho lực lượng kiểm soát công khai mặc trang phục công an, đeo số hiệu đến xử lý. Khi đó, nhiều người dân đã bày tỏ ý kiến phản đối trên mạng xã hội. Nhiều người đặt vấn đề “Nếu không phải công an, giả danh thì sao, lấy gì người dân biết đâu là thật???”…

 

Hình ảnh cắt từ một clip về vụ Cảnh sát Giao thông tấn công người dân mới đây

 

Nhiều người còn cho rằng, sẽ “nguy hiểm cho người dân khi kẻ gian giả dạng để dừng xe, hoang mang không biết nên dừng hay không”.

RFA dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, nói:

“Cảnh sát Giao thông đi làm nhiệm vụ thì trước hết phải mặc sắc phục, để người dân thấy đó là người thi hành công vụ, những người vi phạm giao thông khi gặp hình ảnh của Cảnh sát Giao thông thì sẽ chấp hành. Mặc thường phục thì người ta đâu có biết đó là Cảnh sát Giao thông, trừ những đơn vị lực lượng an ninh làm những nhiệm vụ đặc biệt thì mặc thường phục.

Tôi nghĩ rằng, quy định Cảnh sát Giao thông mặc sắc phục là đúng với thông lệ quốc tế… Chứ mặc thường phục thì người ta có thể lầm rằng đó là giả, để chiếm đoạt tài sản.”

Theo RFA, với nhiều bê bối của Cảnh sát Giao thông, nhiều người lo lắng rằng, đề xuất mới của Bộ Công an sẽ khiến việc lạm quyền của đội ngũ này càng tăng là có cơ sở!

Tuy nhiên, cựu Trung tá Quân đội Vũ Minh Trí cho rằng:

“Suy cho cùng, trách nhiệm trước hết là của người tham gia giao thông. Bản thân tôi cũng từng tham gia giao thông bị vi phạm, bị cảnh sát giao thông xử phạt, tôi thấy ý thức chấp hành giao thông của người dân Việt Nam rất là thấp. Thứ hai, vì ý thức thấp, nên có nhiều hành vi vi phạm khi bị cảnh sát giao thông bắt, thì hầu hết muốn được xử nhẹ, muốn không bị tước giấy phép lái xe, không bị giam xe… Do đó xuất hiện tư tưởng chia tiền phạt một nửa cho Cảnh sát Giao thông bỏ túi.”

 

Ý Nhi – thoibao.de

 

>>>Muốn gặp Mỹ phải “lụy” Tàu. Tổng đạp đầu dân, cúi đầu trước “bạn vàng”?

>>>Đại án Việt Á: Chạy tội cho quan tham, Trung tướng Tô Ân Xô “vụng chèo khéo chống”?

>>>Những căn bệnh nguy hiểm của quan chức Cộng sản

>>>“Phải thay đổi để chúng ta có quyền hy vọng trời mỗi ngày lại sáng!”

Lần đầu tiên một Tổng thống đứng cạnh một Đảng trưởng trên bục danh dự