Link Video: https://youtu.be/wk_SO4dYeZU
Ngày 23/6, trang Facebook cá nhân của nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn có bài “Hơn 30 năm nhìn lại, nhân dân và đất nước Việt Nam vẫn là nạn nhân của “giải pháp tạm bợ” của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Tác giả Trương Nhân Tuấn cho rằng, “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa” là giải pháp tạm bợ đưa ra để cứu Đảng trong nhất thời, trong hoàn cảnh thế giới Xã hội Chủ nghĩa sụp đổ. Bởi vì “kinh tế thị trường” thì không ai có thể “định hướng” được hết cả.
Thật vậy, kinh tế thị trường là nền kinh tế vận hành theo những quy luật tự nhiên của thị trường. Những quy luật này là hoàn toàn khách quan, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người. Con người không thể “định hướng” hay tác động vào các quy luật này, một khi cố tìm cách tác động vào thì sẽ là phản quy luật, sẽ bị “phản phệ” và nhận lãnh những hậu quả thảm khốc.
Thực tế nền kinh tế Việt Nam hiện nay cho thấy điều này rất rõ. Với những chính sách can thiệp sâu vào thị trường, ví dụ như những “quả đấm thép” thời Nguyễn Tấn Dũng, hay chủ trương cho doanh nghiệp được bán trái phiếu do họ phát hành ra thị trường thời Nguyễn Xuân Phúc, hoặc chủ trương hình sự hóa những quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế của Nguyễn Phú Trọng… đến nay đã khiến xã hội và nền kinh tế Việt Nam nhận hậu quả nặng nề, khó có biện pháp để khắc phục. Thậm chí, có nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ hệ thống, sụp đổ dây chuyền.
Theo tác giả, “Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa” là giải pháp tạm bợ, là phương tiện để Việt Nam hội nhập cộng đồng quốc tế. Tạm chấp nhận “Nhà nước pháp quyền” mang nội hàm của “quy tắc pháp luật”, thì nó chỉ có thể xây dựng trên một xã hội dân sự, dân chủ tự do, chứ không thể xây dựng trên nền tảng Xã hội Chủ nghĩa.
Quả thật, một “nhà nước pháp quyền” thì phải vận hành trên cơ sở thượng tôn pháp luật, nghĩa là luật pháp đứng trên hết, luật pháp là vua. Tất cả các nhà lãnh đạo, dù là Tổng thống hay Tổng Bí thư đảng, đều phải tuân thủ theo luật pháp, họ chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép, chứ không được phép buộc hệ thống nhà nước vận hành theo ý họ.
Một nguyên tắc căn bản để nhà nước pháp quyền được hiện thực, đó là sự độc lập của hệ thống tư pháp. Ở Mỹ, vị trí thẩm phán của Tối cao Pháp viện do tổng thống đề cử và Thượng Viện thông qua. Tuy nhiên, các tổng thống Mỹ lại không có quyền phế truất, bãi nhiệm các thẩm phán, và nhiệm kỳ của các thẩm phán là vĩnh viễn, hoặc rất dài so với nhiệm kỳ tổng thống. Do đó, trong lịch sử nước Mỹ, đã có một số trường hợp thẩm phán Tối cao Pháp viện ra quyết định ngược lại mong muốn của vị tổng thống đã bổ nhiệm họ.
Nổi tiếng nhất là trường hợp Chánh án Earl Warren, ông đã thể hiện khuynh hướng tự do, ngược với lập trường bảo thủ của Tổng thống Eisenhower, người đã bổ nhiệm ông.
Ở Việt Nam, người ta đã chứng kiến rất nhiều những bản án bỏ túi, không chỉ đối với người bất đồng chính kiến, với đối thủ chính trị, mà thậm chí còn với cả những bản án dân sự. Hệ thống tư pháp Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người lãnh đạo Đảng.
Tác giả Trương Nhân Tuấn chua chát nhận xét, nếu có “tầm nhìn” thì đã không để xảy ra hiện tượng thiếu năng lượng (khiến các xí nghiệp nước ngoài bỏ Việt Nam qua các nước khác).
Nếu có tầm nhìn, làm cái gì cũng lâu dài, thì làm gì có vụ thanh niên, sinh viên Việt Nam bỏ học đi làm nhân công nước ngoài?
Vốn quí của quốc gia là “con người” chớ không phải là mỏ dầu, mỏ titan nọ kia.
Đi hết, người tài giỏi bỏ nước ra sống nước ngoài hết, thì lấy ai xây dựng đất nước?
Hệ quả của “giải pháp tạm bợ” thiệt là kinh khủng. Vấn đề là giải pháp này có lợi cho giai cấp cầm quyền. Kẻ có quyền thì có tiền.
Và tác giả cay đắng đặt câu hỏi: Không biết tài sản quốc gia nay còn lại cái gì?
Chúc Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Văn chương Dương Thu Hương
>>> Báo chí Cách mạng, bịa đặt thông tin rồi tự dẫm lên bãi thối của mình
>>> Thủ tướng Việt Nam sắp thăm Trung Quốc
>>> Bộ trưởng Công an muốn tăng cường lực lượng cơ sở để kiểm soát dân
Việt Nam không chào đón các Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc