Link Video: https://youtu.be/5e77oPKQMgk
Ngày 23/4, VOA Tiếng Việt đăng tải một phóng sự dài với tựa đề, “Người Nga ở Việt Nam im tiếng về cuộc chiến Ukraine, sợ “vòi bạch tuộc” của Moscow”.
Phóng sự kể về trường hợp của anh Dmitriy, một người Nga ở Việt Nam, còn vợ anh ở Nga, ở giữa họ là khoảng cách 8.000km và một cuộc chiến tàn khốc. Mỗi đêm, họ đều gọi cho nhau từ lúc nửa đêm cho tới sáng. Họ chỉ có thể nhìn thấy nhau qua màn hình video, nhưng chẳng ai biết, đến bao giờ mới có thể gặp lại nhau lần nữa. Họ buộc phải chấp nhận hiện thực để sinh tồn.
Dmitriy rời bỏ đất nước để tránh bị bắt tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine do Putin tiến hành. Anh nói, anh không muốn “thí mạng” cho cuộc chiến mà anh cực lực phản đối.
Dmitriy kể về trải nghiệm sống ở một nước Nga ngày càng áp chế và bất khoan dung đối với những tiếng nói phản chiến, cũng như nỗi sợ hãi khi phải nương náu ở Việt Nam.
Những người Nga, với yêu cầu ẩn danh, kể về một nước Nga ảm đạm và ngột ngạt cho những người bất đồng chính kiến và một tương lai phủ mờ bởi sự vô định và thậm chí bế tắc cho một số người. Dù không hoàn toàn an toàn, nhưng Việt Nam cho họ một nơi dung thân tạm thời và một cơ hội để mưu sinh, trong khi họ trù tính những bước đi kế tiếp trên hành trình tị nạn của mình.
Khi chiến tranh bùng nổ, Dmitriy nói anh bị “sốc nặng” và không thể ăn hay ngủ được trong tháng đầu tiên. Khi anh bày tỏ sự phản đối của mình trên mạng xã hội, anh nhận được những tin nhắn gọi anh là “kẻ phản bội”.
Khi Putin ban hành sắc lệnh huy động nhân lực cho quân đội vào tháng 9/2022, Dmitriy quyết định rời khỏi Nga để bảo toàn tính mạng. Vợ anh ở lại làm việc để duy trì nguồn thu nhập và hỗ trợ anh trong những lúc anh chật vật mưu sinh ở nước ngoài.
Hiện nay, anh làm việc 12 tiếng mỗi ngày, mong kiếm được càng nhiều tiền càng tốt trong khoảng thời gian ngắn nhất, để có thể mau chóng rời Việt Nam, nơi mà anh biết đã hợp tác với yêu cầu của Nga để trục xuất, hoặc ép một số công dân Nga phản đối cuộc chiến phải xuất cảnh.
“Nga truy lùng những người chống đối Putin ở khắp mọi nơi,” anh nói “Việt Nam có rất nhiều đặc vụ FSB (Tổng cục An ninh Liên bang Nga) và Cảnh sát Nga đến du lịch. Họ luôn theo dõi kiều dân qua các mạng xã hội ở Việt Nam.”
VOA đã có một cuộc điều tra và phát hiện ít nhất 3 công dân Nga bị Nga yêu cầu Việt Nam trục xuất, vì quan điểm phản đối chiến tranh hoặc vì họ chỉ trích Chính phủ Nga. Thoibao.de đã đề cập đến những trường hợp này trong một bản tin trước đây.
Những vụ việc này khiến nhiều người Nga cảm thấy lo sợ và không lên tiếng nữa.
“Tôi không nghĩ biểu tình ở Việt Nam có ích gì mà còn khiến chúng tôi bị trả về Nga”, một người Nga sống lâu năm ở Nha Trang cho VOA biết.
VOA dẫn tiếp trường hợp của anh Vladislav Kurchanov, một công dân Kazakhstan gốc Nga sống ở Nha Trang trong tám năm qua. Anh đã tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa phản đối chiến tranh tại quảng trường của thành phố vào tháng 2/2022. Họ tụ tập và giơ biểu ngữ được khoảng 10 phút thì bị “những người mặc thường phục” tới yêu cầu giải tán.
VOA nhắc tới một cuộc biểu tình khác chỉ với ba người tham dự, được tổ chức ở Vũng Tàu vào ngày 24/2 và bị công an nhanh chóng trấn áp. Constantine Zaitsev, người đứng ra kêu gọi cuộc tập hợp này trên Facebook, nói với VOA, anh bị công an ráo riết truy đuổi sau đó.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ là tụ tập biểu tình ở đây lại nguy hiểm như vậy,” anh nói.
Có nhiều thông tin khác nhau về số người Nga rời khỏi đất nước kể từ khi lệnh huy động được ban bố, tuy nhiên, con số này có thể lên đến hàng trăm nghìn người.
Theo VOA, những người Nga đến Việt Nam, đặc biệt là Nha Trang, vì chi phí sinh hoạt thấp và chất lượng cuộc sống tương đối tốt. Đây là những yếu tố quan trọng đối với nhiều người chưa thu xếp được nguồn ngân quỹ dư dả để chi tiêu, khi họ vội vã rời đi.
VOA dẫn lời chủ một đại lý du lịch ở Nha Trang ước tính, anh đã bán vé máy bay và giúp xin thị thực điện tử cho khoảng 2.000 người Nga nhập cảnh vào Việt Nam, và con số này có thể còn cao hơn.
Với Dmitriy, nỗi nhớ vợ đan xen trong nỗi nhớ quê nhà. Anh muốn quay trở về Nga, trở về với cuộc đời trước đây, nhưng anh thừa nhận, nó không tồn tại nữa. Nó đã bị ông Putin “phá nát” bằng cuộc chiến. Một điều đau lòng nữa: nước Nga mà anh nhìn thấy bây giờ không còn là nước Nga mà anh đã từng sống.
“Nước Nga bây giờ rất giống nước Đức Quốc xã những năm 1930.”
Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Xuất chiêu “cùn”, Thủ tướng “khóa tay” ông Tổng
>>> Nát! Nghệ sĩ Hoài Linh hành nghề đồng bóng, diễn viên Lê Hằng buôn hàng đá
>>> Đang có chiến dịch phá bùa Tổng, đại gia Thanh Thản “tứ bề thọ địch”
>>> Đinh Văn Nơi “chơi lố” vội vàng co vòi
Nga cần một bậc thang để bước ra khỏi cuộc chiến ở Ukraine