Người Việt ở Ukraine mong chờ ngày chiến thắng

Link Video: https://youtu.be/tgjCY-3izIE

Ngày 23/2, trang VOA Tiếng Việt có bài viết “Một năm cuộc chiến của Nga: Người Việt, dù ở lại hay tị nạn, đều mong chờ ngày Ukraine chiến thắng”, viết về những người Việt đã nhận Ukraine làm quê hương thứ hai của mình.

Bài báo cho biết, kể từ khi Nga đưa quân xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022, hàng nghìn người Việt sinh sống ở đất nước này đã phải rời bỏ nơi này để đi lánh nạn, dù không muốn. Trước chiến tranh, có khoảng 7.000 người Việt sinh sống và làm ăn ở đây, nơi họ xem là quê hương thứ hai, vì sự tự do và thanh bình.

Sau một năm, chỉ còn khoảng 600 người Việt ở lại Ukraine. Có khoảng 5.000 người của cộng đồng Việt ở đây đã đến châu Âu, Mỹ và Canada, sau khi Nga gây ra cuộc chiến, trong khi khoảng 1.000 người chọn về Việt Nam.

Dù ở lại hay ra đi, những người Việt mà VOA có dịp tiếp xúc, nói rằng, họ mong đến ngày Ukraine giành chiến thắng, để có lại cuộc sống yên bình như trước và gọi hành động xâm lược của Tổng thống Vladimir Putin là một “sai lầm” đáng bị lên án.

VOA dẫn trường hợp ông Vũ Đình Thiệp, là một trong hàng nghìn người Việt phải rời bỏ Ukraine đi lánh nạn. Ông Thiệp cùng vợ và 4 người con di tản sang Đức vào tháng 7/2022, sau khi đã trụ lại ở Kharkov được 5 tháng. Ông nói gia đình ông không muốn rời bỏ Ukraine, nhưng khi các cuộc pháo kích của Nga đánh vào tới sát nhà ông, thì ông không còn lựa chọn nào khác, vì sự an toàn cho gia đình.

Trước khi Nga xâm lược Ukraine, ông Thiệp cùng gia đình sống trong một ngôi nhà mà ông nói là một biệt thự ở khu ngoại ô Kharkov yên bình, với một nguồn thu nhập ổn định từ việc buôn bán của gia đình. Việc phải rời bỏ nơi đó là một quyết định khó khăn đối với gia đình ông.

Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, Đức là quốc gia không giáp biên giới với Ukraine có số đơn xin tị nạn nhiều nhất, với gần 800.000 người chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022.

Sau hơn 7 tháng sống ở Đức, ông Thiệp và gia đình đã ổn định cuộc sống khi các con ông được đến trường, trong khi ông tham gia lớp học tiếng Đức. Ông hài lòng với những gì mà Chính phủ Đức cấp cho những người tị nạn chiến tranh Ukraine như ông, từ nơi ăn ở cho đến bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, ông vẫn mong ngày trở về Ukraine.

Hình: Bài viết trên VOA

Ông Thiệp đến Ukraine khi còn là một sinh viên từ Việt Nam được gửi sang Liên bang Xô Viết để học về kinh tế Mac-Lenin. Khi Liên Xô sụp đổ, ông Thiệp quyết định ở lại dạy học và sau đó chuyển sang buôn bán. VOA cho hay.

Một trường hợp khác được VOA nhắc đến, đó là ông Phạm Văn Bằng. Ông Bằng là một trong số ít những người Việt Nam đã ở lại Ukraine trong một năm qua, dù phải sống với những tiếng còi báo động tránh bom và pháo kích hàng ngày của Nga.

Tôi có công ty ở đây, nhân viên ở đây, sự nghiệp ở đây,” ông Bằng nói.

Ông Bằng cho biết, dù những người con của ông hiện đang định cư ở Mỹ và Úc, nhưng ông và vợ vẫn ở lại Ukraine để duy trì nhà máy sản xuất bao bì thực phẩm với 200 nhân viên.

Sống trong một đất nước Ukraine yên bình kể từ khi ông tới lập nghiệp ở đây vào năm 1994, ông Bằng cho biết, ông và vợ rất sốc khi thấy Nga xâm lược Ukraine.

Ông nói, “Trong một năm khi chiến tranh xảy ra, không phận bị đóng cửa, hải cảng bị phong tỏa nên hàng hóa nhập về phải đi qua châu Âu thì giá thành rất cao, mất nhiều thời gian nên gặp khó khăn, đặc biệt là giai đoạn khi điện nước chập chờn vì (Nga) đánh vào cơ sở hạ tầng”.

Thời gian đầu cả dân Ukraine và dân (Việt) xuống hầm trú ẩn hoặc ra đường khi đang ở trong cửa hàng nhưng bây giờ dân đã quen với cuộc sống có chiến tranh, có báo động,” ông Bằng nói và cho biết rằng, họ không có lựa chọn nào khác là tiếp tục “sản xuất và lao động để tồn tại” dù chiến tranh đang tiếp diễn.

VOA cho biết, dù đều là những người từng học tập trong thời kỳ Liên Xô cũ, cả ông Thiệp và ông Bằng đều bày tỏ sự phẫn nộ với nhà lãnh đạo Nga, Putin, vì đã gây ra cuộc chiến tranh và làm đảo lộn cuộc sống ở nơi mà họ giờ đây coi là quê hương.

Ukraine sẽ chiến thắng bởi vì Ukraine đang đứng lên để bảo vệ đất nước của mình còn quân xâm lược, tôi nghĩ rằng theo tất cả lịch sử xâm lược trên thế giới, thì trước sau gì cũng thua,” ông Bằng nói.

Còn ông Thiệp cũng có ước mong thấy Ukraine chiến thắng, để gia đình ông được trở về ngôi nhà của mình.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Y tế nguy cấp, Bộ trưởng hết “õng ẹo” rồi lại đổ lỗi. Đào Hồng Lan ngồi “nhầm ghế”

>>> Y tế công an “vui như tết”, y tế cho dân hết thuốc trị. Ý đảng: “Dân ngỏm mặc bay”!

>>> Điều tra Nguyễn Thị Thanh Nhàn tại Quảng Ninh bị kẹt tảng đá lớn. Tảng đá đó là gì?

Ghế Chủ tịch nước là Thưởng hay phạt?