Link Video: https://youtu.be/sQy_J1UCy9M
Ngày 24/2, PGS, TS Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, trực thuộc Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam, có bài viết đăng trên RFA với tựa đề “Gặp gỡ nguyên lãnh đạo các thế hệ, Đảng đề phòng nguy cơ bất ổn ở “thượng tầng””.
Tiến sỹ Thọ cho rằng, “toàn trị” với bộ máy công an, quân đội, an ninh hùng hậu “rất ít có khả năng sẽ ‘có biến’ từ bên dưới, với một phong trào của quần chúng”. Nếu như xảy ra, thì sự thay đổi chỉ có thể đến từ “bộ phận thượng tầng của ban lãnh đạo Đảng” – nơi Đảng luôn đề phòng nguy cơ bất ổn.
Ông Thọ phân tích, việc ông Chủ tịch Nước và hai ông Phó Thủ tướng Chính phủ bị “hạ bệ” là chưa có tiền lệ trong lịch sử Đảng. Tuy nhiên, lý do không được công khai rõ ràng, và việc có khoảng một phần ba số Uỷ viên Trung ương của Ban chấp hành khóa 13, đồng thời cũng có một tỷ lệ như vậy số Đại biểu Quốc hội khóa 15 đã không đồng ý trong các hội nghị được triệu tập bất thường để phế truất những lãnh đạo này, sự kiện này chứa đựng sự bất ổn ở thượng tầng.
Ông Thọ nhắc đến cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng mùng 3/2 và dịp đầu Xuân Quý Mão 2023, của lãnh đạo Đảng hiện nay với các nguyên lãnh đạo. Trong cuộc gặp này, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, đại ý, mong muốn các vị tiếp tục “có những đóng góp cho Đảng, cho nhân dân, cho đất nước…”. Tuy cuộc gặp này về hình thức mang tính “biểu tượng”, nhưng hàm ý sâu xa rằng, Đảng luôn “quan tâm” đến họ.
Trong hệ thống chịu sự lãnh đạo độc quyền của Đảng, tác giả nhận xét rằng, các “nguyên lão” của Đảng được coi là đối tượng quan trọng, lợi ích của họ gắn liền với lợi ích của Đảng với phương châm “còn Đảng còn mình!”. Mặc dù không trực tiếp “tham chính” nhưng sự ủng hộ của họ là quan trọng bởi những mối quan hệ và tầm ảnh hưởng. Trong bối cảnh chống tham nhũng, thanh trừng lên tới “vùng cấm” và ngày càng khó khăn, Đảng muốn họ phải được quản lý, phải trong tầm kiểm soát. Sự “cảnh giác” như một bản năng chuyên chế là có thể hiểu được, bởi trong thời kỳ Đổi mới đã có một số “sự cố nghiêm trọng” xảy ra ở thượng tầng.
Tiến sỹ Thọ dẫn chứng một trường hợp phải trả giá, đó là cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Trong vai trò Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, ông Phiêu đã cho giải thể “Hội đồng cố vấn Trung ương”, bao gồm các nguyên lãnh đạo trong “tứ trụ” và “có tiếng nói rất lớn trong tập thể lãnh đạo ở Việt Nam”.
Tiến sỹ Thọ cũng nhắc đến hai vị cựu lãnh đạo bị Đảng “quản chế” cho đến lúc chết là ông Trần Xuân Bách và ông Trần Độ, vì “dám” đòi đa nguyên đa đảng.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người được ví như “tổng công trình sư” của nhiều dự án táo bạo và được ca ngợi là lãnh đạo “vì dân”, người có quan điểm cởi mở và chấp nhận ý kiến trái chiều, nhưng truyền thông Nhà nước đã không nhắc tới nhiều đề xuất của ông về chính sách phát triển đất nước, trong đó đặc biệt về quan điểm “hoà hợp dân tộc”, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Tiến sỹ Thọ cho rằng, nhìn sang Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng thấy những câu chuyện tương tự, nhưng được “nâng tầm” bởi nền văn minh tập quyền lâu đời. Các Hội nghị Bắc Đới Hà, một truyền thống có từ thời Mao Trạch Đông, là nơi diễn ra các cuộc gặp “hậu trường” chính trị quan trọng thường niên của các chính trị gia, giữa các lãnh đạo đương nhiệm và cựu lãnh đạo nước này.
Tuy nhiên, dưới thời Tập Cận Bình, các hội nghị kiểu này đã diễn ra “căng thẳng”, bởi ông Tập muốn siết chặt, thanh trừng phe phái quyết liệt, để ông tiếp tục kéo dài cai trị. Bởi vậy mới có sự cố hy hữu diễn ra trong Đại hội 20, khi nguyên Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào miễn cưỡng bị “hộ tống” rời khỏi nghị trường. Đó là cách mà ông Tập công khai thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với bất kỳ ai có thái độ, ý kiến khác biệt với ông ta.
Tiến sỹ Thọ phân tích, thực tế cho thấy, việc quay lại chế độ chuyên chế “toàn trị” của hai Đảng Cộng sản ở hai nước giống nhau “kỳ lạ”, có chăng là chút khác biệt về chiều kích và hình thức biểu hiện.
Trước hết, cả hai Đảng đều phải đương đầu với “nhà nước tư bản thân hữu”, vì cải cách thể chế chính trị không theo hướng kiểm soát quyền lực bằng đối trọng chính trị, để thích ứng với kinh tế thị trường. Tiếp đến, trong việc giải quyết quốc nạn tham nhũng, Đảng đã kết hợp với thanh trừng nội bộ bằng cách tập trung quyền lực tuyệt đối, trong đó, ông Tập Cận bình tiến hành “đả hổ diệt ruồi” và ông Nguyễn Phú Trọng phát động “đốt lò”… Chính sách này cho thấy giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.
Tiến sỹ Thọ tiếp tục phân tích rằng, những sự kiện trên cho thấy, bất ổn chính trị được cảnh báo, nguy cơ lớn dần bởi người dân “đứng ngoài cuộc”. Và, việc quay lại chế độ chế độ “toàn trị” khiến vấn đề thêm tồi tệ, khi cơ chế công khai minh bạch và giải trình trách nhiệm của quan chức trước nhân dân, những nguyên tắc cơ bản của dân chủ, không được thiết lập.
Quan điểm “dân là gốc” vẫn chỉ là tuyên truyền, và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” cũng chỉ là khẩu hiệu, khi những nguyên tắc dân chủ không được thể chế hoá, và vì vậy không có cơ sở pháp lý, điều kiện để nhân dân tham gia.
Chỉ khi nào tư pháp có quyền tự trị rộng rãi, thoát khỏi sự lãnh đạo của Đảng, người dân có quyền tự do, thì quốc nạn tham nhũng mới có thể diệt trừ tận gốc, thể chế mới có thể phù hợp với thị trường, tránh được bất ổn, và đất nước mới có thể phát triển bền vững.
Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Ghế Chủ tịch nước là Thưởng hay phạt?
>>> Chính trị Việt Nam có thay đổi khi có tân Chủ tịch nước hay không?
>>> Còi thì to mà chất lượng thì bé
Ba luật sư cùng bị bắt vì điều 331