Phải chăng Xuân Bắc “chửi” khán giả để thực hiện “sứ mệnh” mà Đảng giao phó?

Sau khi đăng tải câu chuyện ngụ ngôn để “chửi” khán giả, Xuân Bắc đã bị độc giả phẫn nộ phản đối. Tuy nhiên, vẫn có một số ít độc giả tỏ ra thông cảm mà bao biện bào chữa cho Xuân Bắc. Họ cho rằng, chỉ là một chuyện ngụ ngôn, chẳng hướng vào một đối tượng xác thực nào, mà dư luận cứ buộc Xuân Bắc phải xin lỗi và còn yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt? Liệu có hàm hồ quá không?

Từ những lời bao biện này, có thể hình dung một giả thuyết khác. Từ mấy chục năm nay, đời sống chính trị, xã hội, văn hóa văn nghệ của Việt Nam đều bị Đảng chi phối. Tất cả mọi thứ, từ các sự kiện chính trị, sinh hoạt cộng đồng, cho đến cuộc sống hàng ngày đều bị Đảng kiểm soát. Từ cách đánh giá con người, đến xem xét tác phẩm… tất cả đều quy về lập trường, quan điểm.

“Hãy để cho Xuân Bắc lụi tàn cùng với chủ trương “văn nghệ phục vụ chính trị””

Cũng chính vì thế mà tác giả Mai Luân đặt giả thiết rằng, bài viết nói trên của Xuân Bắc cũng bị liệt kê vào một âm mưu. Âm mưu đó là Xuân Bắc được Đảng Cộng sản Việt Nam “bố trí” làm đặc tình cho một sứ mệnh.

Bài viết của tác giả Mai Luân đăng trên RFA ngày 31/1, cho rằng:

“Sứ mệnh đó là Xuân Bắc “giải cứu” cho khủng hoảng truyền thông của Đảng. Sau Tết, Đảng không muốn dư luận bàn ra tán vào về chuyện ra đi một cách vội vã của hai ông Ủy viên Bộ Chính trị, trong đấy có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và một loạt các bê bối trong nội bộ cấp cao. Rồi nữa, ngay cả những chuyện chướng tai gai mắt như TBT Nguyễn Phú Trọng “cướp diễn đàn”, gạt bà quyền Chủ tịch nước để đọc diễn văn chúc Tết, mà không một lời giải thích cho công chúng. Chưa hết, hàng loạt các câu hỏi liên quan đến “trùm cuối” vẫn còn dậy sóng. Và một loạt những thông tin dậy sóng khác trên mạng xã hội như: Phu nhân cựu Chủ tịch nước bị Công an mời ra làm việc, con gái rượu của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đã du học năm năm Anh quốc… Tất cả những chuyện này ĐCS không muốn dân bàn tán. Người dân sẽ đặt vấn đề “trách nhiệm chính trị” của ông Trọng, vì chính ông đã đứng đầu Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13, chọn lựa ra các vị này để Trung ương “bấm nút”.”

Đảng Cộng sản đã nhiều lần sử dụng chiêu trò dùng scandal để dẫn dắt dư luận, bẻ lái mối quan tâm của cộng đồng từ những vấn đề nghiêm trọng sang những vấn đề nhố nhăng, vặt vãnh. Và quả thật rất đáng ngờ vì ngay lập tức sau khi status của Xuân Bắc đăng lên, thì cả hệ thống báo chí nhà nước ầm ầm nhảy vào phê bình, “chém” Xuân Bắc tơi bời. Có những bài báo rất công phu đi thu thập rất nhiều ý kiến khán giả.

Tác giả Mai Luân nhận định:

“Nếu thuyết âm mưu này đúng, thì Xuân Bắc không chỉ cứu Xuân Phúc mà Xuân Bắc còn cứu cả Đảng, giải tỏa thông tin, không để cho người dân tập trung vào những tin tức Đảng không muôn dân “chõ mũi” vào. Thế thì Ban Tuyên giáo Trung ương phải chỉ đạo sao cho 800 tờ báo hãy “đánh hội đồng” Xuân Bắc mà không cho ông này mở miệng!”

Nhận xét về chương trình Táo quân đêm giao thừa trên VTV, nhiều người cho rằng, do Táo quân chiếm trọn “giờ vàng”, nên khán giả đành phải xem “cưỡng bức”. Thực tế, nhiều năm trở lại đây, rất ít khán giả xem Táo quân do chương trình đã quá nhạt và nhàm chán. Bác sĩ, facebooker Võ Xuân Sơn nhận xét, ông và bạn bè ông đã chẳng còn ai nhắc đến, bình luận đến chương trình Táo quân. Thậm chí, ông Sơn còn tưởng rằng, chương trình này đã dừng biểu diễn.

Nếu quả thật giả thuyết của Mai Luân là đúng, thì có thể nói, Xuân Bắc đã hoàn thành xuất sắc “sứ mệnh” mà Đảng giao phó, và đã “hy sinh anh dũng” để bảo vệ Đảng, để kéo dư luận ra khỏi những bàn tán về cuộc đấu cung đình, ra khỏi những đòi hỏi về trách nhiệm của ông Tổng Bí thư, ông Thủ tướng trong việc để xảy ra những đại án tham nhũng tày trời kia.

Nhưng, với người dân, Hãy để cho Xuân Bắc lụi tàn cùng với chủ trương “văn nghệ phục vụ chính trị”!

 

Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)