Chính quyền Việt Nam luôn coi Việt kiều là cái mỏ Thạch Sanh, không bao giờ cạn để họ khai thác. Bởi Việt kiều, dù có không ưa chính quyền Cộng sản, ghét những bất công ở xã hội này, nhưng họ có người thân, có bà con dòng họ, có gốc gác ở xứ này, nên lòng họ vẫn luôn hướng về Việt Nam.
Lợi dụng tình cảm của Việt kiều dành cho quê cha đất tổ, chính quyền Cộng sản gọi họ là “khúc ruột ngàn dặm” để dụ dỗ họ đổ tiền về quê hương đầu tư làm ăn. Để rồi, nhiều người “lỡ dại” nghe theo lời phủ dụ của Chính phủ, và lãnh trái đắng khi nhận ra là đã bị “chú phỉnh”.
Điển hình là trường hợp ông Trịnh Vĩnh Bình, một Việt kiều quốc tịch Hà Lan. Từng là một doanh nhân thành đạt tại Hà Lan, nghe lời ngon ngọt của Đảng, ông bán hết sản nghiệp ở Hà Lan và đem 3 triệu đô về đầu tư ở Việt Nam vào năm 1987. Nhưng sau đó, ông bị gài bẫy, bị cướp hết tài sản, bị chụp mũ tội trốn thuế và bị kêu án 11 năm tù giam. May mắn là ông đã trốn thoát khỏi Việt Nam sau 18 tháng tạm giam, quãng thời gian mà ông gọi là “hãi hùng”. Trong lúc bị tạm giam, ông từng bị nhục hình, tra tấn, ép cung… Trở về Hà Lan, ông đã đâm đơn kiện Chính phủ Việt Nam ra tòa quốc tế, nhưng dù thắng kiện thì ông cũng chỉ “đòi con voi mà nhận quả táo”.
Một Việt kiều khác đem một số kem dưỡng da về để làm quà cho người thân, nhưng bị hải quan tại sân bay Tân Sơn Nhất “làm luật”. Chuyện xảy ra vào giữa tháng 10/2022, nhưng mới đây, nhân câu chuyện du khách Singapore cũng bị “vòi tiền”, ông Nguyễn Hà Anh Nhật mới tung lên mạng những đoạn clip về việc ông bị đòi “500 đô”. Nhưng chỉ 1 ngày sau, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nói với báo chí, “việc này hoàn toàn không có tiêu cực và xuất phát từ sự hiểu lầm”. Còn cô nhân viên hải quan kia thì tỉnh bơ bảo, không vòi tiền, chỉ “đùa giỡn cho vui trong lúc xử lý công việc”. Trên đời này chắc không còn ai trơ trẽn hơn cô.
Những chuyện bị “làm luật” tương tự như ông Nhật gặp phải là không hề cá biệt, và nó xảy ra hàng ngày tại các cửa khẩu của Việt Nam. Họ làm luật không chỉ Việt kiều, mà cả du học sinh hay lao động xuất khẩu trở về nhà. Những đồng tiền mà người Việt phải trả bằng xương máu, đôi khi là cả tính mạng, nhưng đã bị lực lượng chức năng cưỡng đoạt không thương tiếc.
Những tưởng, sau 10 năm ông Tổng đốt lò, mọi thứ đã được chấn chỉnh. Nhưng không, thực tế vẫn bầy hầy như cũ, mà thậm chí mức độ nhơ bẩn còn hơn xưa. Một bầy sâu mọt vẫn nhung nhúc mà rút tỉa xương máu người dân.
Bản thân người viết cũng đã từng phải tiếc nuối vứt bỏ 2 thùng hàng, chỉ là những chai sữa tắm, phấn em bé gửi về cho cháu nhỏ, nhưng bị họ áp mức “thuế suất tiêu thụ đặc biệt”, do họ đưa vào danh mục hàng mỹ phẩm, khiến cho tiền thuế còn cao hơn tiền mua hàng.
Việt kiều hay lao động xuất khẩu ở xứ người đều phải đổ mồ hôi công sức mới kiếm được đồng tiền. Không phải ai cũng giàu có, không phải ai cũng dư dả. Cuộc sống xứ người tuy thu nhập so với Việt Nam thì cao, nhưng chi tiêu cũng không ít. Nhưng chính quyền Cộng sản luôn coi họ là nguồn thu vô tận, từ những khoản thu phi lý ở các đại sứ quán, việc xin đểu ở cửa khẩu, đến những khoản thuế phí vô lý khi gửi quà về…
Những đồng tiền mà người Việt xa xứ chắt chiu để gửi về giúp đỡ người thân, nhưng rồi lại thành dòng kiều hối rơi vào túi Đảng.
Thế nhưng, nếu Việt kiều “không ngoan” sẽ ngay lập tức chuyển từ “khúc ruột ngàn dặm” thành “đối tượng phản động chống phá”. Nếu “đối tượng” này lỡ dại đặt chân về Việt Nam, sẽ bị bắt đi tù như Giáo sư Phạm Minh Hoàng hay ông Châu Văn Khảm, mà quốc gia họ mang quốc tịch cũng không thể cứu họ ra khỏi nhà tù.
Xuân Hưng – thoibao.de (Tổng hợp)