Link Video: https://youtu.be/zPLXgGD-Vec
Những ngày qua, hàng ngàn người đã đến trụ sở Bảo hiểm xã hội (BHXH) của các quận, huyện ở TP. HCM để chờ rút BHXH một lần. Họ phải canh rất nhiều ngày vì tình trạng quá tải, phải đi từ rất sớm, thậm chí là chờ xuyên đêm.
Từ 4-5h sáng, trước cổng trụ sở BHXH huyện Hóc Môn đã có chừng 40 – 50 người xếp hàng chờ lấy số thứ tự. Đa số họ là công nhân mới bị mất việc trong 2 tháng qua, vì công ty họ làm việc bị thiếu hụt đơn hàng. Người công nhân đa số lương thấp, họ không có tích lũy, cuộc sống luôn khó khăn. Vì vậy, khi mất việc là họ nghĩ ngay đến việc rút BHXH để trang trải khó khăn trước mắt.
Nhưng, ngoài những lý do về áp lực kinh tế, về chi tiêu cuối năm, tình trạng quá tải tại các trụ sở BHXH còn vì một lý do khác quan trọng hơn. Đó là dự thảo mới về luật BHXH. Nhiều người lo lắng về thông tin sẽ thay đổi mức hưởng chế độ BHXH một lần khi chưa đến tuổi nghỉ hưu, hoặc đã đến tuổi nhưng không đủ điều kiện về số năm đóng BHXH nên không được nhận lương hưu. Theo thông tin đang lan truyền hiện nay, sang 2023, người lao động yêu cầu hưởng BHXH một lần sẽ chỉ được rút phần mình đóng vào quỹ là 8%. Phần người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ. Vì sợ ảnh hưởng quyền lợi nên nhiều người tranh thủ đi rút BHXH một lần trước khi dự thảo nêu trên được áp dụng.
Thực tế, mức đóng BHXH 22%, gồm người lao động đóng 8% và chủ sử dụng lao động đóng 14% là chỉ tính riêng cho BHXH để tính lương hưu. Khi tham gia BHXH, người lao động còn phải đóng thêm bảo hiểm thai sản, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế… cộng tất cả các khoản lại lên đến 32%. Và cũng rất thực tế, tuy nói BHXH chia ra phần đóng của người lao động và chủ sử dụng lao động, nhưng doanh nghiệp nào cũng hoạch toán chi phí BHXH vào khoản chi trả cho người lao động, nên thực chất, đó là tiền của người lao động. Nay, dự thảo về BHXH mới muốn lấy phần của chủ sử dụng lao động bỏ vào quỹ và không hoàn trả cho người lao động… thì quả thực là “ăn cướp” công khai giữa ban ngày.
Theo cách tính của BHXH Việt Nam hiện nay, khi người lao động muốn rút tiền BHXH để hưởng một lần thì họ phải chịu thiệt đủ đường. BHXH Việt Nam tính, người lao động đóng vào quỹ BHXH ở mức 22%/tháng, thì mỗi năm sẽ đóng 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng bảo hiểm chỉ là 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước 2014, và 2 tháng lương cho những năm từ 2014 trở đi. Nếu lĩnh bHXH một lần, người lao động sẽ thiệt 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng trước 2014 và 0,64 tháng lương đối với mỗi tháng lương đóng sau 2014. Đó là tính ở mức đóng 22%/tháng, nếu tính ở mức 32%/tháng thì sự thiệt thòi này càng cao hơn.
Như vậy, nếu BHXH Việt Nam thực sự áp mức hưởng BHXH một lần tính trên 8% người lao động tự đóng thì kể như người lao động mất trắng, chẳng còn gì.
Người công nhân, công việc của họ thường bấp bênh và ít khi gắn bó lâu dài với một công ty. Thông thường, họ chỉ làm việc ở một nơi chừng 3-4 năm rồi sẽ mất việc và tạm ngưng tham gia BHXH. Nếu cộng dồn thời gian làm việc thì cũng rất ít người đóng BHXH đủ 20 năm để được nhận chế độ hưu trí. Đó là chưa kể đến trượt giá, số tiền đóng vào trong 20 năm, sau đó chỉ nhận được một đồng lương bèo bọt, có cũng như không. Vì vậy, người lao động thường chọn nhận BHXH một lần mỗi khi họ nghỉ việc.
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP. HCM cho biết, đến ngày 30/11, TP. HCM ghi nhận gần 100.000 người nộp hồ sơ rút BHXH một lần và đột biến vào cùng một thời điểm dẫn đến quá tải. Đặc biệt vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 khi các doanh nghiệp gặp khó khăn và người lao động mất việc làm.
Để trấn an người lao động, các cơ quan BHXH bảo công nhân không nên lo lắng vì đây mới chỉ là dự thảo, đề xuất. Và họ còn phải tham khảo nhiều ý kiến, nghiên cứu này nọ rồi mới quyết định. Tuy nhiên, người lao động Việt Nam đã không còn dễ bị lừa, họ không tin vào những hứa hẹn của ông A bà B nào đó nữa. Còn nhớ, năm 2015, cũng do bất mãn với sự thay đổi của chính sách BHXH, công nhân đã tràn xuống đường biểu tình nhiều ngày và lan rộng. Sau đó Chính phủ đã phải họp khẩn, hứa dừng luật mới thì các cuộc xuống đường mới dừng lại.
Quốc Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Dù đã nhắm mắt xuôi tay, Giang Trạch Dân vẫn “dạy cho Cộng sản Việt Nam một bài học”
>>> Việt Nam có thể theo được Hà Lan về nông nghiệp không?
>>> Sốc! Chuyến bay giải cứu buôn lậu 700 chai rượu “Đinh La Thăng”
Chuyện bé xé ra to! – khi Công an vào cuộc