Rosneft rút khỏi dự án với Việt Nam trên Biển Đông, liệu có nguy cơ an ninh?

Link Video: https://youtu.be/5b_vPt7AzaY

Dù lợi nhuận ròng trong quý II lên đến 3,1 tỷ USD, tập đoàn Rosneft của Nga vẫn quyết định rút hoàn toàn khỏi các dự án với Việt Nam trên Biển Đông, điều này khiến một số người lo ngại về nguy cơ an ninh giữa bối cảnh Trung Quốc thời gian qua liên tục gây sức ép buộc các công ty quốc tế ngừng hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác dầu khí ở các khu vực mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của mình.

Theo thông tin từ các hãng tin Nga Interfax, TASS và Prime, Rosneft vừa thông báo rút vốn khỏi công ty con Rosneft Vietnam B.V. Đây là đơn vị vận hành dự án sản xuất khí và khí hóa lỏng tại Việt Nam, trong đó Rosneft sở hữu 100% cổ phần tại công ty này. Thay đổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/9.

Tiếp theo hàng loạt sự ra đi của các công ty dầu khí quốc tế khỏi Việt Nam dưới áp lực của Trung Quốc trong những năm qua, việc rút vốn của Rosneft khỏi các dự án ở Biển Đông làm dấy lên nghi ngờ về khả năng công ty Nga bị Bắc Kinh gây áp lực tương tự.

Tuy nhiên, theo TS. Hà Hoàng Hợp, một chuyên gia nghiên cứu cấp cao khách mời của Viện ISEAS của Singapore, thì việc chuyển giao này chỉ là một “thủ thuật” của phía Nga trong việc hợp tác với Việt Nam.

Có một thủ thuật là tất cả tài sản của Rosneft ở Việt Nam được họ bán 100% cho một công ty của nhà nước Nga là Công ty Zarubezhneft. Đó là công ty của nhà nước, thuộc quyền cai quản của tổng thống Nga và nó không bán cổ phần hay cổ phiếu cho nước ngoài. Cho nên những quốc gia như Trung Quốc không thể mua được cổ phần hay cổ phiếu ở đó”, TS. Hà Hoàng Hợp nói với VOA.

Tuy nhiên, bất chấp nguyên tắc trên, TS. Hà Hoàng Hợp cho biết Bắc Kinh lâu nay vẫn không ngừng tìm cách chi phối, tác động bằng nhiều cách lên công ty của nhà nước Nga, cả về chính trị lẫn kinh tế.

Thực chất vào năm 2018, Trung Quốc cũng đã gạ mua cổ phần của Zarubezhneft ở đâu đó, thế nhưng Zarubezhneft họ không bán”, TS. Hà Hoàng Hợp cho biết.

Chính vì vậy, việc Rosneft chuyển nhượng cổ phần cho Zarubezhneft không đề ra mối đe doạ an ninh nào mà còn có lợi hơn cho Việt Nam.

TS. Hà Hoàng Hợp giải thích thêm: “Thực ra, nhìn từ góc độ an ninh thì Trung Quốc không thể nào tác động hay can thiệp được, gây ra những chuyện như bắt ép phải rút ra, phải dừng khai thác… thì họ không làm được, mà như thế là rất tích cực”.

Ảnh: năm ngoái Giàn khoan Repsol phải rút lui khỏi Biển Đông dưới sức ép của Trung quốc đã khiến cho Việt nam phải bồi thường 1 tỷ Đô la.

Rosneft đã tham gia vào dự án khai thác và sản xuất khí, condensate và một dự án thăm dò tại Lô 06.1 ở Biển Đông. Trong hợp đồng lô 06.1, Rosneft Vietnam B.V. sở hữu 35% cổ phần và là nhà điều hành dự án, Tập đoàn ONGC của Ấn Độ sở hữu 45% và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 20%.

Theo báo cáo kết thúc ngày 30/6, lãi ròng quý II của Rosneft đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên 233 tỷ rúp (3,1 tỷ USD), trong khi doanh thu tăng gấp đôi lên gần 2.200 tỷ rúp, theo AFP.

Giám đốc điều hành Rosneft, Igor Sechin, trong một thông báo sau đó cho biết mức lợi nhuận ròng quý vừa qua là cao nhất trong lịch sử kinh doanh của công ty, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của giá dầu thô.

Trong khi đó, Zarubezhneft là tập đoàn đã liên doanh với Việt Nam suốt 40 năm qua thông qua Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, chuyên thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam tại các Mỏ Bạch Hổ, Mỏ Rồng, Cá Tầm, Thiên Ưng…

Hồi tháng 6, tập đoàn này cho biết họ có kế hoạch kéo dài hoạt động ít nhất là đến năm 2045 và tham gia các dự án hiệu quả mới tại Việt Nam.

Hải cảnh Trung Quốc hội quân ở Trường Sa

Theo nhà nghiên cứu Quốc tế Đặng Sơn Duân cho biết, Trung Quốc dường như đang tập hợp lực lượng hải cảnh ở quần đảo Trường Sa để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu hoặc một chiến dịch nào đó ở phía nam Biển Đông.

Ngày 9 và ngày 10.9 ghi nhận một số chuyển động của tàu hải cảnh Trung Quốc mà theo tôi là khá bất thường ở khu vực phía nam Biển Đông. Cụ thể: Hai tàu hải cảnh 5303 và 5203 di chuyển vào vùng biển Việt Nam phía đông nam Cam Ranh từ tối ngày 8.9 và hiện tại di chuyển xuống phía nam.

Một nhóm 5 tàu hải cảnh gồm 4201, 2305, 5302, 3304, 6307 từ phía bắc hướng xuống khu vực Đá Xu Bi. Tàu 3302 từ khu vực bãi cạn Scarborough di chuyển sang khu vực Đá Vành Khăn.

Không loại trừ khả năng hai tàu 5303 và 5203 bám theo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tuy nhiên sau tàu Mỹ đã đi qua khu vực xuống phía tây nam Biển Đông ngày 9.9 thì đến nay hai tàu hải cảnh vẫn lượn lờ trong vùng biển Việt Nam.” Ông Đặng Sơn Duân nêu nhận định.

Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật và đổ bộ chiếm đảo tại Biển Đông

Trung Quốc phong tỏa khu vực phía tây bán đảo Lôi Châu trong hai ngày 9-10/9 để phục vụ cho các cuộc tập trận bắn đạn thật, đồng thời trước đó đã tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo ở Biển Đông.

Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 10/9, dẫn nguồn từ thông báo của Cục Hàng hải Trung Quốc và video Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV.

Tin cho biết, các cuộc diễn tập vừa nêu do Hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của Quân đội Trung Quốc tiến hành.

Video Kênh Quốc phòng Trung Quốc đăng tải hôm 9/9 cho thấy các tàu đổ bộ đệm khí và máy bay trực thăng của nước này đã tiến hành những bài tập trận đổ bộ lên một hòn đảo ở Biển Đông, nhưng không tiết lộ thời gian và địa điểm tiến hành.

Tờ South China Morning Post (SCMP) nhận định rằng Trung Quốc công bố video tập trận ở Biển Đông nhằm đáp trả việc tàu chiến USS Benfold của Mỹ hôm 8/9 đi vào vùng biển gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.

Trong khi đó, động thái của Mỹ được nhận định là một phần trong nỗ lực tuần tra duy trì tự do hàng hải, đáp trả Luật An toàn Hàng hải sửa đổi bổ sung của chính phủ Bắc Kinh.

Khu trục hạm Mỹ tiến gần đá Vành Khăn trên Biển Đông

Ảnh: Khu trục hạm Mỹ USS Benfold.

Khu trục hạm Mỹ USS Benfold tiến gần đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa khi mẫu hạm USS Carl Vinson cũng đang tập trận trên Biển Đông. Báo Người Việt đưa tin hôm 8-9-2021.

Hai hoạt động khác nhau của Hải Quân Mỹ diễn ra trên Biển Đông chỉ một tuần lễ sau khi Bắc Kinh loan báo luật mới buộc tất cả các loại tàu nước ngoài phải khai báo danh tính, loại tàu và lộ trình khi vào các vùng biển “chủ quyền” của nước họ.

Bản tin Hạm Đội 7 của Mỹ cho hay khu trục hạm mang hỏa tiễn dẫn đường USS Benfold vừa có chuyến hải hành ngày 8 Tháng Chín, 2021, vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đá Vành Khăn, một thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng bị Trung Quốc cưỡng chiếm và bồi đắp thành đảo nhân tạo, xây dựng các căn cứ quân sự quy mô.

Khu trục hạm USS Benfold tiến hành tự do hải hành dựa trên luật lệ quốc tế và vẫn tiếp tục tiến hành hoạt động bình thường trên các vùng biển quốc tế,” bản thông cáo báo chí của Hạm Đội 7 viết. “Hoạt động phản ảnh cam kết bảo vệ tự do hải hành và nguyên tắc sử dụng hợp pháp các vùng biển. Hoa Kỳ tiếp tục bay, chạy tàu cũng như hoạt động bất cứ nơi nào luật lệ quốc tế cho phép như khu trục hạm USS Benfold làm ở đây.”

Quân đội Trung Quốc cho phát ngôn viên quân sự Điền Quân Lý (Tian Junli) nói rằng quân đội nước họ đã “tổ chức lực lượng cả Không Quân và Hải Quân phát giác, theo dõi và trục xuất” chiến hạm Mỹ.

Ông Điền nói: “Hành động của Mỹ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh Trung Quốc, thêm bằng chứng chắc chắn về bá quyền hải hành hung hăng và quân sự hóa Biển Đông của Mỹ.”

Ảnh: Phó Tổng Thống Kamala Harris hội kiến chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hà nội hôm 25/8.

Ông Điền lặp lại phát ngôn quen thuộc rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo và các vùng biển chung quanh tại Biển Đông. Ngược lại, cả Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với những phần trùng lặp với Trung Quốc.

Không những vậy, Bắc Kinh ngang nhiên công bố bản đồ Biển Đông với những cái vạch chủ quyền tưởng tượng nối lại giống hình “lưỡi bò,” chiếm từ hơn 80% đến 90% Biển Đông. Nhiều khu vực các vạch này lấn sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines. Đó là lý do Bắc Kinh đưa nhiều loại tàu tới ngăn cản Hà Nội dò tìm và khai thác dầu khí tại những vùng biển đặc quyền kinh tế của nước mình.

Bản tin của Hạm Đội 7 của Mỹ cho biết rằng phát ngôn của Trung Quốc rằng khu trục hạm USS Benfold đã bị “trục xuất” khỏi khu vực đá Vành Khăn là “lừa gạt.”

Hoa Kỳ tiến hành ‘hoạt động bình thường’ bên trong phạm vi 12 hải lý của đá Vành Khăn. Theo luật lệ quốc tế phản ảnh qua Công Ước Quốc Tế về Luật Biển, những thực thể như đá Vành Khăn chìm dưới nước khi thủy triều lên theo sự hình thành tự nhiên của nó, không cho phép xác định chủ quyền lãnh thổ trên biển. Các nỗ lực bồi đắp (đất cát, cho cao lên), xây dựng các cấu trúc trên đá Vành Khăn không thay đổi đặc tính của nó theo luật lệ quốc tế,” bản thông cáo báo chí của Hạm Đội 7 viết.

Tháng trước, Phó Tổng Thống Kamala Harris đã thúc giục nhà cầm quyền Việt nam hợp tác với Mỹ chống lại tuyên bố chủ quyền quá lố và các trò bắt nạt của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Thế giới nhìn vào cách Việt Nam chống dịch: “Đói khổ là hình ảnh thấy rõ nhất”

>>> Phụ nữ Việt qua Ả Rập Xê Út: lao động xuất khẩu hay nạn nhân buôn người?

>>> Bí thư Hà Nội – Đinh Tiến Dũng “bị tấn công”, ai đã ra đòn?

Đi ăn mày nhưng thích làm kẻ cả, da mặt Vương Đình Huệ dày đến đâu?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT