Việt Nam ‘không có án oan sai’ như lời ông Nguyễn Hoà Bình?

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=GDfH4N-UX9I

Suốt cả nhiệm kỳ vừa qua, ngành tòa án Việt Nam đã không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Việt Nam, được truyền thông nhà nước dẫn lời khẳng định.

Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội,” báo Thanh Tra dẫn lời ông Chánh án phát biểu tại một phiên họp đầu năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước này hôm 12/01/2021.

Cũng hôm thứ Ba, báo Tiền phong dẫn lời ông Chánh án TAND Tối cao báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay:

Trong nhiệm kỳ, ngành cũng tổ chức xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp với việc thực hiện ngày càng đầy đủ nguyên tắc tranh tụng.

Các phiên tòa đã thực hiện nghiêm Chỉ thị của Chánh án TAND Tối cao về việc không hạn chế thời gian tranh tụng, căn cứ vào kết quả tranh tụng để đưa ra phán quyết.”

‘Vẫn còn không ít mà là nhiều vụ oan sai’

Từ Hà Nội, hôm 12/01, Luật sư Lê Quốc Quân bình luận với BBC News Tiếng Việt về nhận định trên của lãnh đạo ngành Tòa án của Việt Nam:

Đó là phát biểu và quan điểm của ông ấy, còn cá nhân tôi thấy không đúng. Cụ thể tôi cho rằng vẫn có không phải là ít mà là nhiều vụ oan sai.

Ngay trong thời gian gần đây, rõ ràng có vụ cặp vợ chồng ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông đã được chứng minh rõ ràng là oan sai và cả chánh án và thẩm phán bị kỷ luật, báo chí chính thống có đưa tin.

Còn vụ Hồ Duy Hải, Hàn Đức Long thiên hạ bàn đã quá nhiều, đặt rất nhiều câu hỏi về khả năng oan sai.

Nhưng nặng nề nhất đối với tôi là vụ Đồng Tâm và các vụ án “xâm phạm an ninh quốc gia” gần đây.

Theo tôi thì họ thực sự bị oan, từ trong tư tưởng đến hành vi.

Tư tưởng của những nhóm hoạt động như Hội nhà báo Độc lập hay nhóm Hiến pháp đều chỉ là mong muốn có một Việt Nam tự do và độc lập hơn, hành vi của họ cũng nằm trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Cho nên, việc kết án những nhà hoạt động như vậy bằng một bản án hình sự, theo tôi là oan sai.”

Cũng từ Hà Nội, Luật sư Ngô Anh Tuấn, Trưởng văn phòng Luật sư ATN, bình luận:

Bây giờ nếu xét theo tư tưởng và cách thức mà cơ quan điều tra tại Việt Nam tiến hành công việc thì không ai có thể thoát tội được.

Cho nên nếu nói oan sai mà thực sự theo quy định của pháp luật thì có thể là có nhiều vụ việc oan sai, nhưng nếu xác định có oan sai hay không theo cách điều tra, truy tố, xét xử trên thực tế của các cơ quan điều tra, pháp luật tại Việt Nam thì sẽ thấy như ông Chánh án nói là ‘không hề có’, bởi vì kiểu gì thì các bị cáo cũng phạm tội, kiểu gì họ cũng phải khai có tội.

Như thế cách thức điều tra này đồng điệu với cách thức lý giải của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình về việc là không có án oan sai và không tự dưng ông lại phát biểu như thế, bởi vì nó có đồng điệu từ điều tra, truy tố, xét xử như vậy.”

Có gì cần chú ý sửa đổi, cải thiện?

Khi được hỏi có điều gì cần quan tâm ưu tiên, cải thiện trong công tác của ngành Tòa án ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là hoạt động xét xử án hình sự, các luật sư nêu quan điểm:

Tôi cho rằng toà án phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Mới đây tôi vô tình gặp lại thẩm phán đã kết án tôi,” Luật sư Lê Quốc Quân, người từng là một tù nhân lương tâm, nói.

Ông ấy bảo tôi: “Cậu ngây thơ lắm, cứ ngồi đó mà mong độc lập, 38 năm trong nghề toà án, tôi chưa xử vụ nào mà không theo ý kiến của đảng.

Ảnh 2: Các nhà báo trong Hội nhà báo Độc lập Việt Nam trong phiên xử sơ thẩm đầu năm 2021 ở TP. Hồ Chí Minh

Như thế có thể thấy càng ngày đảng càng can thiệp mạnh hơn, sát hơn vào từng vụ án.

Nhân đây, tôi muốn nói thêm rằng là lãnh đạo ai cũng muốn có thành tích và việc ông Chánh án tự nhận những mặt tốt về mình và ngành của ông trong nhiệm kỳ mà ông lãnh đạo thì cũng không có gì là lạ.

Thế nhưng nhân dân thì luôn có nhận thức và thước đo của riêng mình.

Dù ông Chánh án có nói tốt bao nhiêu, hay tự hoặc được tâng bốc lên bao nhiêu, thì những vụ án như : Đồng Tâm hay kết án nặng nề các nhà hoạt động mãi mãi theo tôi vẫn là những vết nhơ không thể phai mờ, rồi còn đó “ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ“.

Tôi nghĩ lịch sử sẽ phán xét rõ ràng và công bằng về ông Chánh án và những phát biểu hôm nay của ông ấy.”

Sau khi bị xử phúc thẩm trong vai bị cáo, ông Lương Hữu Phước đã nhảy lầu tự tử ngay tại Tòa. Sau đó Tòa cấp cao đã hủy án để điều tra lại và kết cục là Cơ quan điều tra đã quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Lương Hữu Phước.

Còn Luật sư Ngô Anh Tuấn bình luận:

Báo chí dẫn lời lãnh đạo ngành Tòa án Việt Nam nói rằng trong nhiệm kỳ, ngành cũng tổ chức xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp với việc thực hiện ngày càng đầy đủ nguyên tắc tranh tụng, thì tôi xin bình luận rằng trên thực tế đây là một ví dụ cho thấy là có khác biệt rất lớn với việc lãnh đạo ngành này tự nhận xét.

Trên thực tế, có rất nhiều vấn đề, các quy định, pháp luật của nhà nước nói rằng tất cả các nội dung khách quan của vụ án phải được làm rõ tại phiên tòa, tuy nhiên, trong nhiều phiên tòa hình sự, kiểm sát viên, công tố viên không tranh luận với luật sư, khi được đề nghị và không làm rõ sự thực khách quan.

Song kết luận thì tòa án, thẩm phán v.v… lại nghe kiểm sát viên, công tố viên, nếu đúng quy định hai bên tranh luận, tranh cãi, bên nào không phản biện ý kiến của bên kia, thì phải ghi nhận ý kiến của bên kia, nhưng mặc dù không tranh luận với ý kiến của luật sư, mà ý kiến của Viện kiểm sát lại được ghi nhận.

Như thế thì có đúng tinh thần cải cách tư pháp và thực thi pháp quyền hay không, hay là chỉ đem luật sư ra làm một hình thức biểu diễn, bình phong để nói rằng là đã xét xử công bằng khi có sự hiện diện của luật sư?

Cho nên có thể thẩy rằng pháp luật có quy định trên giấy tờ, nhưng người ta đã không, hoặc chưa bao giờ thực thi nghiêm túc trên thực tế, trừ những vụ án mà không có việc chạy chọt, hay trừ những vụ án chính trị, trong các vụ đó phần nào tính dân chủ, khách quan có sự phát huy, nhưng gần như hầu hết trên thực tế là không có sự phát huy như luật pháp đã quy định, chưa hay không được làm rõ.

Thành ra chúng tôi vẫn hay nói rằng tòa án Việt Nam mới chỉ ‘chạy loanh quanh sự thật thôi’, chứ chưa thực sự cần công lý và sự thật.”

Ảnh 4: ông Nguyễn Thanh Chấn, người đã ngồi tù 10 năm về tội giết người trong vụ án oan xử ông chung thân

Cũng hôm thứ Ba, báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tường thuật báo cáo của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định với Quốc hội Việt Nam về thành tựu và ưu điểm của ngành trong nhiệm kỳ của ông:

Theo Chánh án, với việc quán triệt và triển khai kịp thời, nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội, hoạt động của hệ thống TAND trong thời gian qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác.”

Các Tòa án đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra; một số lĩnh vực tuy chưa đạt được theo yêu cầu nhưng đã có nhiều tiến bộ rõ nét.

Chẳng hạn các Tòa án đã làm tốt và đẩy mạnh tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, thực hiện nghiêm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Chánh án TAND Tối cao đã ban hành hai Thông tư quy định về phòng xử án và Quy chế tổ chức phiên tòa,” báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh tường trình.

Trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 12/1, Luật sư Phạm Công Út, nhận định:

Nói là không có án oan là nói theo kiểu chủ quan của ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

Nếu nói nhiệm kỳ qua của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình thì tôi thấy có ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng ở huyện Tuy Đức, hai vợ chồng đều bị oan.

Ngành tòa án phải xin lỗi, và vừa rồi phải tạm ứng tiền bồi thường, và đang trong quá trình giám định thiệt hại, thương lượng bồi thường, đó là việc tôi biết và có trực tiếp tham gia trong việc bồi thường án oan.”

Theo Luật sư Phạm Công Út, ngoài ra còn rất nhiều vụ án oan khác trên báo chí hoặc không trên báo chí, mà ông không nắm rõ chi tiết. Ông nói tiếp:

Như vậy nói không có án oan là không đúng, tại vì việc ông Võ bà Thưởng cách nay 2 năm rơi đúng nhiệm kỳ ông Nguyễn Hòa Bình.

Do đó đây là câu nói mang tính báo cáo, nhưng mà không trung thực.  Mà cấp dưới báo cáo không trung thực thì ngân sách ở đâu ra để bồi thường cho những người bị hàm oan.

Tất nhiên Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cũng là người phê duyệt mức bồi thường hoặc các phương án giải quyết bồi thường, do đó không thể nói ông Nguyễn Hòa Bình không biết hay không nghe báo cáo.”

Ảnh 5: bên trái là Hồ Duy Hải vẫn đang ở tù 13 năm với tội danh giết người trong vụ án dao thớt được cơ quan điều tra đi mua ở chợ và tất cả dấu vân tay tại hiện trường đều không phải của Hồ Duy Hải. Bên phải là ông Huỳnh Văn Nén bị tù oan 17 năm, nay đã được giải oan

Ông Nguyễn Văn Võ và vợ là bà Nguyễn Thị Thưởng ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, vào tháng 10 năm 2018 trong vụ tranh chấp đất đai bị đưa ra xét xử với cáo buộc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.

Sau đó bị tuyên mỗi người 24 tháng tù nhưng cho bà Thưởng được hưởng án treo.

Cả hai kháng cáo kêu oan đến ngày 21/9/2019, cơ quan Công an huyện đã ban hành các quyết định đình chỉ vụ án, lý do là đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội.

Đến ngày 5/6/2020, TAND huyện Tuy Đức đã tổ chức xin lỗi, cải chính minh oan công khai đối với ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Trước đây tại Việt Nam tình trạng án oan được nhiều người quan tâm qua các vụ như ông Hàn Đức Long bốn lần bị kết án tử hình dù vô tội; ông Nguyễn Thanh Chấn, sau 10 năm ngồi tù oan mới được hủy hai bản án kết tội ông giết người; hay vụ ông Huỳnh Văn Nén, người được xem là duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan, gần 17 năm ngồi tù oan, và chỉ được đình chỉ điều tra sau khi công an tìm ra hung thủ giết người.

Mới nhất là vào ngày 12/10/2020, VKSND tỉnh Tây Ninh đã trao hơn 6 tỷ đồng tiền bồi thường cho các nạn nhân bị hàm oan 41 năm trong vụ án ‘Cướp tài sản riêng của công dân’. Vụ án oan này đã khiến cả gia đình tám người bị bắt vào cuối tháng 7 năm 1979 và có hai người đã chết không được nhận bồi thường.

Đây không phải là lần đầu tiên Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo không có án oan sai trong nhiệm kỳ của ông. Vào ngày ngày 6/11/2020 khi báo cáo trước Quốc hội, ông đã nói các vụ án hình sự được xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội.

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Lo dân lật đổ – Đảng diễn tập bảo vệ Đại hội 13

>>> Kết thúc điều tra giai đoạn một với Tất Thành Cang, giai đoạn hai sẽ đến Lê Thanh Hải?

>>> Đảng “mơ” liêm chính – Cán bộ nhận quà

Nhật Cường buôn lậu đến 3.000 tỷ, Nguyễn Đức Chung ăn bao nhiêu?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT