Sau quyết định rút ngắn thời hạn visa cho các đảng viên Trung Quốc và thân nhân họ, từ 10 năm xuống chỉ còn vỏn vẹn 1 tháng cũng như trừng phạt một công ty lớn của Trung Quốc ở Tân Cương hôm 02/12, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục “nã đạn” vào chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Ngày 04/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sẽ từ chối cấp visa cho các quan chức Trung Quốc có liên quan đến những hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài bằng bạo lực, công bố thông tin cá nhân hay những chiến thuật uy hiếp khác để đe dọa những người chỉ trích.
Quyết định này được áp dụng đối với các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc bất kỳ ai khác tham gia các chiến dịch của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Pompeo cáo buộc cơ quan này gây áp lực lên những người ở hải ngoại đấu tranh cho nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, người dân Tây Tạng và những nơi khác.
« Mặt trận » dùng các chiến thuật cưỡng bức như công bố trên mạng các thông tin cá nhân của những người bất đồng chính kiến và thân nhân họ. Không chỉ cộng đồng Hoa kiều, mà cả giới trí thức, các nhóm xã hội dân sự ở Hoa Kỳ và các nước khác cũng nằm trong tầm ngắm, nhằm áp đặt các quan điểm độc đoán của đảng.
Ông Pompeo nói hạn chế visa được áp dụng cho những người “đã dùng hay đe dọa sử dụng bạo hành thể chất, đánh cắp hay công bố thông tin cá nhân, gián điệp, phá hoại hay can thiệp thô bạo vào những vấn đề chính trị nội bộ, quyền tự do trong học thuật, quyền riêng tư cá nhân, hay hoạt động doanh thương”.
Ông cũng cáo buộc Trung Quốc tìm cách cưỡng bức những người ở Mỹ và các nơi khác để ủng hộ “các tuyên bố độc tài và những phương án, chính sách” của Bắc Kinh.
Đồng thời, ông kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt việc sử dụng cưỡng bức và chiến thuật đe dọa để đàn áp tự do ngôn luận”.
Cũng trong ngày 04/12, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã chấm dứt năm chương trình trao đổi văn hóa với Trung Quốc và gọi những chương trình này là “công cụ tuyên truyền quyền lực mềm”.
Bộ cho biết trên website của mình rằng họ đã “đình chỉ” Chương trình Thăm Trung Quốc Mang tính Giáo dục cho Các nhà hoạch định chính sách, Chương trình Hữu nghị Mỹ – Trung, Chương trình Trao đổi Lãnh đạo Mỹ – Trung, Chương trình Trao đổi Xuyên Thái Bình Dương Mỹ – Trung và Chương trình Giáo dục và Văn hóa Hồng Kông.
Bộ nói rằng các chương trình này được lập ra dưới sự bảo trợ của Đạo luật Trao đổi Văn hóa và Giáo dục Tương hỗ – một đạo luật năm 1961 do Tổng thống John F. Kennedy kí ban hành và nhắm mục tiêu thúc đẩy trao đổi học thuật và văn hóa với nước ngoài.
“Trong khi các chương trình khác được tài trợ dưới sự bảo trợ của Đạo luật Trao đổi Văn hóa và Giáo dục Tương hỗ đều có lợi cho cả hai bên, năm chương trình được đề cập hoàn toàn được tài trợ và vận hành bởi chính phủ (Trung Quốc) như những công cụ tuyên truyền quyền lực mềm.”
Ngay trước đó, Hoa Kỳ vừa mới ra lệnh trừng phạt nhiều công ty Trung Quốc và hạn chế việc cấp thị thực đối với đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo quy định mới, thời hạn thị thực nhập cảnh đối với các đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc và gia đình của họ chỉ còn là một tháng, và chỉ có giá trị một lần duy nhất.
Trước khi có quy định này thì tương tự như mọi công dân Trung Quốc khác, các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, đều có thể xin thị thực nhập cảnh Hoa Kỳ với thời hạn có thể lên đến 10 năm.
Các hướng dẫn thị thực mới cho phép quan chức Mỹ xác định xem một người Trung Quốc xin visa vào Mỹ có phải là đảng viên hay không, dựa trên đơn xin thị thực và phần phỏng vấn lúc nộp đơn.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ xác định rằng việc siết chặt chế độ thị thực nhập cảnh kể trên nằm trong chủ trương bảo vệ nước Mỹ chống lại “ảnh hưởng tai hại” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thì nói rằng việc hạn chế visa « hoàn toàn không có lợi cho chính Hoa Kỳ và ảnh hưởng đến hình ảnh của Mỹ trên thế giới ».
Cùng với việc siết chặt quy định visa với 92 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và thân nhân của họ, cũng trong ngày 02/12, Trung Quốc còn nhận thêm một quyết định trừng phạt khác của Hoa Kỳ. Đó là lệnh cấm nhập khẩu bông gòn từ một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bị cho là đã sử dụng lao động cưỡng bức áp dụng trên thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Trong một thông cáo ngày 02/12, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cho biết là Hải quan Mỹ kể từ nay có quyền tịch thu mặt hàng bông gòn nhập khẩu của Tập đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương XPCC. Đây là một tổ chức kinh tế bán quân sự chiếm gần một phần năm GDP của vùng Tân Cương, đồng thời là một trong những nhà sản xuất bông gòn lớn nhất Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác liên quan đến Trung Quốc, chuyên gia Mỹ mới đây đã chính thức khẳng định Trung Quốc « ngang nhiên » tuần tra các vùng biển của Việt Nam và Philippines.
Báo cáo của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Hoa Kỳ công bố hôm 04/12/2020, lần đầu tiên đã xác nhận việc tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) của Việt Nam từ ngày 01/07 đến 01/12/2020.
RFI dẫn lại nội dung báo cáo cho biết một chiếc tàu hải cảnh lớn mang số hiệu 5204 đã phát tín hiệu nhận dạng (AIS) từ Bãi Tư Chính, khu vực nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trong suốt bốn tháng. Thậm chí ngày 02/11 chiếc tàu này còn ngang nhiên tiến sát khu vực cụm nhà giàn DK1 của Việt Nam, chỉ cách có 5 hải lý, và thường xuyên lượn lờ xung quanh lô dầu khí 06-01. Sự kiện này trùng hợp với quyết định của Hà Nội hủy bỏ việc khoan thăm dò tại lô này.
Sở dĩ tàu Trung Quốc dễ dàng tiến hành vòng tuần tra mới tại Bãi Tư Chính là nhờ lập căn cứ trên Đá Chữ Thập, chiếm được của Việt Nam sau trận hải chiến Trường Sa năm 1988. Thủ đoạn quấy nhiễu của tàu hải cảnh 5204 ở Bãi Tư Chính cũng giống như việc áp sát giàn khoan của Malaysia ở bãi cạn Luconia, chứng tỏ đây là một chiến thuật hẳn hoi.
AMTI còn ghi nhận rằng điều đáng chú ý là bãi Tư Chính, ngoài khơi đông nam của Việt Nam cũng đã được bổ sung vào trong lộ trình tuần tra thường xuyên của tuần duyên Trung Quốc. Đây là địa điểm gây căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong nhiều tháng liên quan đến các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Hà Nội trong năm 2019.
Vẫn theo AMTI, đại dịch Covid-19 đã không ngăn cản hoặc kềm hãm bớt Trung Quốc triển khai các tàu tuần duyên « xung quanh các địa điểm mang tính biểu tượng quan trọng » ở Biển Tây Philippines, kể cả việc thâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines ở các bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).
Qua phân tích dữ liệu hệ thống nhận dạng tự động (AIS) chuyên theo dõi vị trí tàu thuyền trên biển mà trang mạng Marine Traffic thu thập được, AMTI ghi nhận trong khoảng thời gian từ ngày 01/12/2019 – 30/11/2020, các đội tàu tuần duyên của Trung Quốc không chỉ duy trì « sự hiện diện lâu dài » tại những bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây và bãi Luconia, mà còn dường như đã « gia tăng tần số tuần tra » tại những khu vực này trong suốt giai đoạn dịch bệnh.
Cụ thể là 287 trong số 366 ngày gần đây, ít nhất có một và thường là hai tầu cảnh sát biển Trung Quốc phát sóng tín hiệu tự bãi cạn Scarborough. AMTI cho rằng đây là « một mức tăng đáng kể » so với 162 ngày trong năm 2019.
Theo nhận định của AMTI, « việc các tàu tuần tra Trung Quốc phát sóng thường xuyên hệ thống nhận dạng tự động từ những bãi cạn trên, vốn dĩ không thuộc chủ quyền của Trung Quốc, cho thấy là Bắc Kinh cố ý đánh đi tín hiệu đòi hỏi chủ quyền của mình ».
Từ những quan sát trên, các nhà phân tích của AMTI cho rằng đại dịch Covid-19 là một tấm bình phong che giấu cho việc thực hiện các hành động hung hăng của Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên gần hầu hết diện tích Biển Đông, kể cả những vùng lãnh hải phía Tây thuộc chủ quyền Philippines.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Đạp nhau trước Đại Hội – Nguyễn Đức Chung rơi xuống hố sâu
>>> Con gái Dr Thanh bị tố cho vay nặng lãi – Bộ Công An vào cuộc
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT