Quốc hội Việt Nam đang nhóm họp kỳ họp thứ 9, khóa XIV với chương trình nghị sự kéo dài thành hai đợt và tập trung với khoảng ba tuần làm việc, khai mạc ngày 20/5/2020 và dự kiến bế mạc ngày 18/6.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam họp quốc hội có kết nối trực tuyến với 63 đoàn đại biểu quốc hội.
Hình thức này diễn ra trong lúc Việt Nam không muốn có một kỳ họp tập trung quá đông người và góp phần phòng chống, lây lan dịch bệnh COVID-19.
Đây cũng là kỳ họp không tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp.
Các đại biểu Quốc hội muốn chất vấn sẽ gửi câu hỏi bằng văn bản và người được chất vấn có trách nhiệm trả lời.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói: “Đây không phải là kỳ họp để phê phán, trách móc, soi chuyện này chuyện kia chậm, mà là kỳ họp để dâng mưu, hiến kế trước mắt và lâu dài để phục hồi kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.” Phát biểu này đã cho thấy cái nhìn của bà về những kỳ họp Quốc hội trước đây, khiến dư luận không khỏi ái ngại về quan điểm, tầm nhìn của vị Chủ tọa các phiên họp của Quốc hội.
Một số chủ đề cử tri quan tâm đang được đề cập trong kỳ họp.
Đáng chú ý là trong Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2020 tại phiên khai mạc kỳ họp 9 sáng 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay có ý kiến đề nghị đánh giá về tình hình và các giải pháp bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
Qua đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị theo dõi sát diễn biến chính trị quốc tế, đặc biệt sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó có vấn đề thương mại và dịch bệnh. Tăng cường công tác đối ngoại, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, biên giới.
Bình luận với BBC về việc Quốc hội Việt Nam đề nghị đánh giá tình hình, giải pháp bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông ngay trong một báo cáo được trình bày hôm thứ Tư, Luật gia Hoàng Việt nói: “Thứ nhất, theo tôi động thái này thể hiện sự quan tâm của người dân nói chung và qua ý kiến của người dân thì đến với các Đại biểu Quốc hội.”
“Và không phải một lần mà cũng đã nhiều lần Quốc hội cũng đã lên tiếng về vấn đề này, tuy nhiên có lần, hồi đó khi ông Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch Quốc hội, thì ông nói với Quốc hội rằng ‘tình hình Biển Đông chưa có gì mới’.”
“Thế thì qua lần này, với việc Quốc hội tiếp tục đưa ra và yêu cầu vấn đề này, cho thấy sự quan tâm của người dân càng ngày càng lớn đối với vấn đề Biển Đông.”
“Và cũng đặc biệt là bởi vì vấn đề Biển Đông càng ngày càng trở nên căng thẳng hơn do Trung Quốc với sức mạnh của họ, thì họ vẫn đang tiếp tục mở rộng các hành động rất đáng quan ngại của họ trên khu vực Biển Đông.”
“Chính vì vậy việc người dân lo ngại về vấn đề Biển Đông và được phản ánh qua Quốc hội là điều tất yếu thôi và Quốc hội cần đáp ứng những điều mà cử tri đã quan tâm chính đáng.”
Một nội dung quan trọng tại kỳ họp lần này là phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EFVTA) và và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).
Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu đã thông qua quyết định phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA).
Trước đó, giới hoạt động nhân quyền tại Việt Nam đã tích cực kêu gọi EU hoãn phê chuẩn khi Hà Nội chưa đáp ứng được các điều kiện nhân quyền. Nghị sĩ Anna Cavanizzi là một trong những người bỏ phiếu chống với nhiều lý do, một trong số đó được bà nêu ra là: “Tình hình nhân quyền ở Việt Nam vô cùng đáng lo ngại. Bất chấp những lời hứa suông, tình hình vẫn không khá hơn: Việt Nam đã tiến hành một cuộc đàn áp tàn bạo đối với bất đồng chính kiến và lao động có tổ chức, đặc biệt là từ năm 2016.”
Bên cạnh đó, có một luồng quan điểm khác đại diện bởi góc nhìn của ông Geert Bourgeois, báo cáo viên Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA), người tin tưởng rằng: “Việc thông qua sẽ thúc đẩy thêm tiến bộ về tiêu chuẩn lao động, môi trường và tôn trọng nhân quyền.”
Tại kỳ họp này, vào buổi chiều ngày 20/5, thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, nhiều ý kiến đề nghị trong Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Hiệp định EVFTA cần: (i) cụ thể hơn việc nội luật hóa các cam kết để thực thi Hiệp định. Quan tâm hơn nữa các chính sách với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao tính công khai minh bạch của môi trường đầu tư; (ii) Tiếp tục đánh giá kỹ tác động của Hiệp định với Việt Nam; xây dựng các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực; so sánh tác động của thị trường EU với Việt Nam trong tương quan quan hệ với các thị trường khác để bảo đảm tính độc lập của nền kinh tế, thể chế chính trị; (iii) Đẩy mạnh và đổi mới về nội dung, hình thức công tác thông tin, tuyên truyền nội dung Hiệp định, trong đó tập trung vào các đối tượng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, tạo điều kiện hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp thực thi hiệu quả Hiệp định.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan vẫn hay khuyến cáo tại nhiều hội thảo trong năm 2019 về những vướng mắc trong thể chế, chủ yếu xuất phát từ sự thiếu rõ ràng trong yêu cầu “xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Điều này làm những nhà quản lý trở nên ngại ngần với những chuyển động của kinh tế thị trường, vì bản thân họ cũng không rõ thế nào là ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’?
Bà Phạm Chi Lan, biện giải: “Từ những mập mờ trong quy định, dẫn đến hạn chế sự minh bạch, công bằng trong quản lý, tạo ra kẽ hở cho nạn tham nhũng vặt. Vì thế, khi lẽ ra phải vận hành trên ưu thế cạnh tranh, các doanh nghiệp lại phải tiêu tốn nguồn lực để củng cố vị thế của họ trong quan hệ với các cán bộ nhà nước, dễ dàng tìm thấy sự hợp thức hóa những khía cạnh mà luật không làm rõ.
Thêm nữa, bản thân nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng chưa được phân bổ hợp lý, đi ngược với quy luật phát triển của kinh tế thị trường. Áp lực “định hướng xã hội chủ nghĩa” khiến sự phân bổ nguồn lực tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp nhà nước, bất chấp hiệu quả. Trong khi, quy luật của kinh tế thị trường chính là sự hiệu quả.
Với EVFTA, sự công khai, minh bạch, chống tham nhũng là những yếu tố quan trọng mà Việt Nam đã ký kết và phải thực hiện. Điều này dĩ nhiên mang lại những lợi ích chính đáng cho các nước tham gia hiệp định, nhưng cũng chính là mong đợi của nhân dân Việt Nam.
Nếu Việt Nam làm được như cam kết, người hưởng lợi nhiều nhất chính là nhân dân Việt Nam. Khi đó, mọi nguồn lực của nền kinh tế sẽ tập trung cho sự phát triển. Việt Nam sẽ có những chuyển động bám sát cơ chế thị trường, văn minh hiện đại, từ đó có nền tảng để lên cao hơn nữa. Bằng không, mọi hy vọng về việc nâng tầm quốc gia vẫn chỉ nằm trong những con số thống kê, về lượng hàng xuất khẩu mà tập trung phần lớn ở doanh nghiệp FDI. Còn Việt Nam vẫn quẩn quanh trong vai trò gia công, trong kịch bản được mùa rớt giá, trong việc theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn, cho ra những sản phẩm kém chất lượng.”
Luật gia Hoàng Việt thì dành sự chú ý cho Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa XHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
Ông nói: “Còn cái bên cạnh là EVIPA, mọi người rất ít quan tâm. Hiệp định bảo hộ này cũng quan trọng vì nó cũng có thể dẫn tới những vụ kiện mà về phía Việt Nam gọi là vụ kiện nhà đầu tư kiện chính phủ, nếu chính phủ Việt Nam không tuân thủ và làm ảnh hưởng tới đầu tư của họ, thì họ có thể khởi kiện giống như vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam.”
“Như vậy trong tương lai, nó sẽ mở đường ra cho rất nhiều vụ kiện tương tự nếu Việt Nam không nghiêm túc và không chuẩn bị tốt, và điều này chắc chắn xảy ra bởi vì hệ thống pháp luật của Việt Nam vô cùng phức tạp và các địa phương được toàn quyền rất nhiều.”
“Mà mỗi địa phương xâm phạm đến nhà đầu tư nước ngoài, thì nhà đầu tư không cần phải khởi kiện chính quyền địa phương, mà khởi kiện Chính phủ Việt Nam, những vụ như vậy sẽ xảy ra nhiều trong tương lai và có lẽ chính phủ Việt Nam cần lưu ý nghiêm túc vấn đề này.”
Còn tại kỳ họp lần này, thảo luận về Hiệp định EVIPA, có ý kiến cho rằng Hiệp định sẽ có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp trong nước vì năng lực cạnh tranh, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; chúng ta không nên ban hành riêng một Nghị quyết của Quốc hội để công nhận và cho thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định EVIPA tại Việt Nam…
Hai chủ đề khác cũng được quan tâm không kém: thứ nhất là Giám sát tư pháp và vụ Hồ Duy Hải ; thứ hai là Dân nguyện và ‘Đồng Tâm’.
Trong nghị trình làm việc, Quốc hội cũng sẽ dành thời gian xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Chủ trì cuộc họp báo quốc tế về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa IV chiều 18/5, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thừa nhận vừa rồi một số đại biểu quốc hội có ý kiến gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nêu ý kiến, kiến nghị về vụ án.
Ông nói: “Quá trình cũng cho thấy gia đình Hồ Duy Hải liên tục khiếu nại, kêu oan. Dư luận trong nước và quốc tế cũng rất quan tâm. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xử lý theo đúng quy định pháp luật“.
Với kinh nghiệm lâu năm từng giữ chức nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết trong những năm gần đây, ít nhất là nhiệm kỳ ông còn làm việc đến bây giờ thì ông chưa thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra một phán quyết nào thúc đẩy tòa án. Ông nói: “Nếu cần thì đưa ra quốc hội và cũng yêu cầu chứ không trao thủ tục gì để Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao phải họp lại hoặc xét xử vụ án lại. Khả năng đó là có thể ở dạng như thế. Nếu vậy thì là một thiệt hại rất lớn đối với nền tư pháp Việt Nam.”
Luật sư Hoàng Việt cũng cho rằng: “Mặc dù trên lý thuyết, Quốc hội đóng vai trò quan trọng là giám sát tối cao, nhưng trong thực tế, khả năng này vẫn chưa được thực hiện nhiều. Nếu lần này Quốc hội Việt Nam yêu cầu được giám sát tư pháp, thì đó là một bước đáp ứng đòi hỏi từ thực tế của cuộc sống của đất nước.”
Trong chương trình của phiên khai mạc, hôm 20/5, Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, và Ban Dân nguyện Quốc hội đã trình bày, báo cáo một số vấn đề về nguyện vọng của cử tri.
Luật sư Hoàng Việt cho rằng: “Tôi nghĩ rằng, ở vụ việc Đồng Tâm, vấn đề này cần phải được nêu ra, bởi vì nếu nó có đúng hay có sai, thì cũng phải chỉ ra rõ ràng nó đúng ở chỗ nào, nó sai ở chỗ nào, vi phạm ở chỗ nào, thì nó sẽ thuyết phục hơn cho tất cả mọi người. Bởi vì vấn đề tranh chấp đất đai là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất của Việt Nam. Những cái căng thẳng trong quan hệ giữa người dân và chính quyền đặc biệt xuất phát rất lớn là từ vấn đề đất đai. Cái này không phải là tôi nói mà từ trong báo chí chính thống của nhà nước đã nói, và điều đó cho thấy là nếu Việt Nam không giải quyết được vấn đề này một cách minh bạch, rõ ràng, công bằng, thì nó có khả năng lặp lại những trường hợp xung đột tương tự trong tương lai. Và đó là yếu tố dẫn đến sự bất ổn của chế độ và bất an của đất nước.”
—
Về mặt pháp luật, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân; cơ quan quyền lực Nhà nuớc cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Ðại biểu Quốc hội được cử tri bầu ra tại các đơn vị bầu cử, chịu trách nhiệm trước cử tri bầu ra mình và trước cử tri cả nước.
Quốc hội có 3 chức năng chính: chức năng lập pháp; chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Thế nhưng Quốc hội Việt Nam lâu nay vẫn được coi là quốc hội bù nhìn, không quan tâm đến nguyện vọng của nhân dân và chỉ phục vụ cho quyền lợi của Đảng Cộng sản mà chính đương kim Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng vô tình ‘lộ nguyên hình’ khi vào tháng 5/2018 khi Luật Đặc khu bất ngờ được trình ra Quốc hội mà không trước đó không hề có thông báo nào, một số đại biểu quốc hội đã có thái độ thắc mắc, phản ứng về hành vi khuất tất đó và những hậu quả mà Luật Đặc khu có thể rước về thì ngay lập tức, bà Chủ tịch Quốc hội đã ‘chặn họng’ theo lối áp đặt khi phát biểu: “Bộ Chính trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…”
Hãy cùng xem tại kỳ họp lần này, Quốc hội có thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình với nhân dân khi gần đây có qua nhiều vụ việc gây phẫn nộ trong quần chúng.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)