Các nguồn thu ngân sách nhà nước VN dự báo bị thâm hụt nghiêm trọng trong năm 2020.
Giá dầu thô tụt giảm sâu ở mức kỷ lục 4 năm, lao dốc liên tục từ hôm 9/3 đến nay còn dưới 40% so với giá trung bình suốt năm ngoái đang dự kiến một kết quả thua lỗ cho ngành dầu khí Việt nam. Không những thế Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN còn phải đối diện một nguy cơ lớn hơn khi trữ lượng dầu khí khai thác được từ những mỏ truyền thống chủ lực của Việt Nam hiện nay đang bị suy giảm sau 20-30 năm khai thác. Nguồn thu ngân sách nhà nước đang bị đe dọa sụt giảm nghiêm trọng và dự kiến sẽ kiệt quệ trong năm nay khi dịch cúm dự kiến kéo dài trên 6 tháng nữa và hậu quả tiếp tục ảnh hưởng đến cả năm.
Cụ thể, các mỏ dầu được PVN cho là truyền thống chủ lực bao gồm Bạch Hổ, Sư Tử, Rạng Đông, và Lan Tây. Đây là những mỏ dầu được nói đóng góp sản lượng quan trọng, cung cấp gần 600 triệu tấn dầu khí quy đổi trong thời gian qua.
Trước khó khăn gia tăng trữ lượng dầu khí đang suy giảm, PVN cho biết sẽ đầu tư thêm các giải pháp công nghệ để tận thu hồi dầu tại các mỏ vừa nêu.
Ngoài ra, PVN cũng sẽ đa dạng hóa nguồn đầu tư trong nước cũng như tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài đẩy mạnh triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò ở các vùng truyền thống và khu vực nước sâu, thậm chí xa bờ ngay khi có thời cơ thuận lợi.
Tuy nhiên, PVN đang gặp khó khăn do cơ chế chính sách cho ngành dầu khí chưa thay đổi kịp thời. Cụ thể, có nhiều quy định trong các luật về hoạt động dầu khí chưa phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, biến động của kinh tế, chính trị, dầu khí trên thế giới và trong khu vực.
PVN cũng đang trong tình trạng thiếu vốn đầu tư trầm trọng, nhiều dự án phát triển quan trọng đang chậm tiến độ. Nguyên nhân được nói là do quá trình thăm dò và chi phí thăm dò cần được đầu tư nhiều nhưng trong những năm qua vẫn luôn ở mức thấp kỷ lục.
Ngoài ra, những căng thẳng với Trung Quốc ngoài Biển Đông, nơi có các lô dầu khí quan trọng của Việt Nam cũng ảnh hưởng tới việc sản xuất dầu khí của Việt Nam, theo nhận định của PetroVietnam đưa ra hồi năm ngoái. PetroVietnam cho biết căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến khả năng Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào việc khai thác dầu khí.
Báo cáo mới đây của Bộ Công thương Việt Nam cho thấy sản lượng dầu mỏ khai thác tại Việt Nam đang suy kiệt, trong khi ngành than gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp của Bộ Công thương cho thấy sản lượng khai thác dầu thô trong 10 tháng qua ước đạt hơn 11 triệu tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 8,6 tỷ m3 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thông tin từ Bộ Công thương được truyền thông trong nước trích đăng, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí tiếp tục được triển khai theo kế hoạch. Tuy nhiên, khai thác dầu ở các mỏ chủ lực trong năm 2019 đang trong giai đoạn suy kiệt, sản lượng giảm mạnh, các mỏ mới phát hiện đều khá nhỏ, cận biên, điều kiện phát triển, vận hành phức tạp, chi phí cao…
Theo một báo cáo của PetroVietnam hồi cuối năm ngoái, dầu mỏ cạn kiện, thiếu vốn đầu tư và khai thác mới sẽ khiến sản lượng dầu thô của Việt Nam giảm 10% mỗi năm từ nay cho đến năm 2025.
Thống kê của Tổng Cục thống kê cho thấy sản lượng dầu thô của Việt Nam năm ngoái trung bình khoảng 247.000 thùng một ngày, giảm gần 12% một năm.
Năm 2019 Việt Nam đã phải nhập dầu thô từ Mỹ. Lô dầu thô đầu tiên PetroVietnam nhập từ Mỹ là 950.000 thùng từ US West Texas Intermediate. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam có khả năng sẽ nhập thêm dầu thô từ Hoa Kỳ.
Nguồn thu từ dầu thô của VN đã sụt giảm 800% so với những năm 2000 đến 2008, khi ấy nguồn thu từ dầu thô chiếm tới 30% ngân sách. Từ 2009 đến 2015 dù tỷ trọng có giảm, nhưng thu từ dầu thô vẫn đạt mức 2 con số, bình quân khoảng 12%.
Năm 2018, nguồn thu từ dầu thô chỉ 59,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,7% nguồn thu NSNN.
Đến năm 2019 thì tỷ trọng thu từ dầu thô chỉ còn 3,8% cơ cấu thu ngân sách nhà nước. Nếu so với thời kỳ hoàng kim những năm 2000-2008 thì tỷ trọng thu từ dầu thô đã giảm 800%.
Xét về giá trị tuyệt đối, 5 năm trước, tổng thu từ dầu thô năm 2014 là 107 nghìn tỷ đồng, cao gấp 2 lần năm 2018.
Ngoài ra giá dầu thô giảm nghiêm trọng cũng là vấn đề đáng quan ngại. Giá dầu thô trước năm 2013 xoay quanh mức trên 90 USD/thùng, từ 2014 đến nay bình quân trên dưới 60 USD/thùng. Mới đây giá dầu lại giảm chỉ còn 23 USD/ thùng do ảnh hưởng dịch cúm và khả năng sẽ còn kéo dài tình trạng này vì ngành hàng không và vận tải sẽ tiếp tục ngưng trệ do các lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa nhiều quốc gia khắp thế giới.
Nhiều chuyên gia khẳng định với giá dầu như hiện nay thì cần phải xem xét việc ngừng khai thác thì tốt hơn để tránh lỗ so với chi phí khai thác vận hành.
Một nghịch lý là dù khai thác than đá tăng nhưng VN vẫn phải nhập khẩu than để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Theo Tổng Cục thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 17 triệu tấn than đá, tăng hơn 103 % so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường cung cấp than lớn nhất cho Việt Nam là Australia, Indonesia, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Mỹ.
Liên quan đến việc khai thác than, Bộ Công thương cho biết sản lượng than sạch 10 tháng đầu năm ước đạt gần 38 triệu tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ngành than của Việt Nam lại đang phải đối mặt với những khó khăn như điều kiện khai thác của các mỏ ngày càng xuống sâu và đi xa hơn, làm tăng cung độ vận chuyển, hệ số bóc đất đá đối với các mỏ lộ thiên tăng, gia tăng áp lực mỏ lớn… làm tăng chi phí khai thác.
Than là nguyên liệu quan trọng trong ngành điện của Việt Nam. Năm 2020, dự báo tỷ trọng nhiện điện chạy than của Việt Nam chiếm khoảng 41% tổng cung lượng điện và Việt Nam cần khoảng 54 triệu tấn than cho các nhà máy nhiệt điện mỗi năm.
Để đảm bảo đủ than cho sản xuất, Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất than lớn tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong các khâu sản xuất than; áp dụng công nghệ cơ giới hóa đào lò, khai thác than trong điều kiện kỹ thuật mỏ cho phép để nâng cao năng suất lao động.
Riêng than cho phát điện, Bộ Công thương chỉ đạo chủ đầu tư nhà máy điện khẩn trương ký hợp đồng mua bán than năm 2020 và dài hạn với các đơn vị cung cấp than là cơ sở lập và phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2020.
Việt nam đứng trước nguy cơ kiệt quệ các nguồn thu ngân sách cho năm 2020 khi dịch Cúm Vũ Hán tấn công toàn thế giới.
Giữa năm 2019 quyết toán thu ngân sách các món thu đều giảm, chỉ có mỗi món thu tiền sử dụng đất, tiền thuế nhập khẩu, tiền dầu thô là tăng.
Đầu năm 2020 đến nay tình hình thu ngân sách đang bị đe dọa nghiêm trọng từ mọi hướng.
Thống kê hải quan cho biết tình hình thu ngân sách nhập khẩu tháng 2 năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của dịch cúm Vũ Hán- Trung Quốc.
Theo khảo sát, hiện trạng các hoạt động xuất nhập khẩu tại các cảng TpHCM chỉ ước đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến tình hình sẽ càng kém đi khi cả thế giới đều co cụm chống dịch.
Về nguồn thu từ tiền sử dụng đất cũng chắc chắn sụt giảm rất lớn trong khi đang có những dự báo rất xấu cho ngành kinh doanh bất động sản Việt nam.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế từng làm việc tại Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, vào đầu tháng 3 đã đưa ra nhận định cho rằng thị trường bất động sản tại Việt Nam sẽ bị dịch bệnh COVID-19 tác động một cách nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh:
“Đầu tư địa ốc từ nước ngoài ở Việt Nam có thể sẽ giảm. Do đó, khu vực bất động sản sẽ cực kỳ khó khăn. Như vậy một số ‘đại gia’ trong ngành này sẽ phá sản và sẽ lôi kéo tình trạng khủng hoảng tài chính của Việt Nam.”
Báo giới cũng dẫn nguồn từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh ghi nhận tổng số doanh ngiệp kinh doanh bất động sản giải thể có tỷ lệ tăng cao nhất, xấp xỉ 54%. Cơ quan này còn dự báo sẽ xảy ra xu thế một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản sẽ phá sản và biến mất khỏi thị trường.
Truyền thông trong nước vào ngày 17/3 đăng tải thông tin có khoảng 300 sàn giao dịch bất động sản đóng cửa và khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Báo giới dẫn nguồn từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết số sàn đóng cửa là do chủ đầu tư không mở bán sản phẩm và một số sàn còn hoạt động vì vẫn còn hàng để bán và còn hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư.
Về tiền sử dụng đất, tháng 10 năm 2019 chính phủ mà người đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sửa đổi nghị định cũ, theo đó những món nợ tiền sử dụng đất cũ để truy thu ráo riết hơn. Các hộ gia đình nợ tiền sử dụng đất phải trả nợ trước khi chuyển nhượng, cho, tặng, thế chấp, góp vốn.
Mới đây để đối phó với việc giảm thu ngân sách, chính phủ đã tăng tiền điện, với đà thất thu như hiện nay, thì cái mỏ là những đồng tiền cuối cùng của người dân sẽ bị tận thu và tăng tiền thuế phí . Các cơ quan thuế sẽ ráo riết truy nợ, vắt kiệt doanh nghiệp.
Đấy là chưa kể đến tình hình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, không những thất thu về nông sản, thuỷ sản mà còn phải chi rất nhiều ngân sách để ứng phó.
Với việc giá dầu xuống chỉ còn 20 USD / 1 thùng thì việc tiếp tục khai thác dầu khí sẽ thêm lỗ, cộng thêm đại dịch cúm Vũ Hán làm cho nền kinh tế tê liệt – thất nghiệp tràn lan trên cả nước, khiến cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khó còn có thể thực hiện định hướng Xã hội chủ nghĩa như mơ ước của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi cuối đời.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)