Hiện nay Đức vẫn tiếp tục tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Đức đã 3 lần ra tối hậu thư cho Việt Nam về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sắp tới Việt Nam sẽ cử một đoàn cấp cao sang Berlin đàm phán nhằm phục hồi toàn diện quan hệ giữa hai nước. Việt Nam có đáp ứng yêu cầu của phía Đức cho Trịnh Xuân Thanh xuất cảnh sang Đức hay không?
Sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, chính phủ Đức đã quyết định tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam kể từ ngày 22.09.2017, vì „đối tác chiến lược“ Việt Nam đã xúc phạm chính phủ Đức qua hành vi lạm dụng lòng tin, đưa mật vụ vào bắt cóc người ngay giữa thủ đô Berlin, xâm phạm chủ quyền của nước Đức. Kể từ đó quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã bị đóng băng, nằm trong tình trạng căng thẳng kéo dài suốt hơn 1 năm nay, cho đến nay Đức vẫn tiếp tục duy trì việc tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Mới đây, tối thứ sáu ngày 5/10/2018 vừa qua trong buổi tiệc chiêu đãi do Đại sứ quán Đức tại Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm Quốc khánh Đức (ngày 3 tháng 10 hàng năm), ông Đại sứ Đức Christian Berger đã đọc một bài diễn văn, trong đó đặc biệt ông cho biết: Cách đây vài ngày ông đã chuyển thư của chính phủ Đức mời chính phủ Việt Nam cử một đoàn cấp cao sang Berlin đàm phán nhằm khôi phục đầy đủ quan hệ giữa hai nước.
Dưới đây là trích đoạn nguyên văn lời phát biểu (bằng tiếng Anh) của ông Christian Berger, Đại sứ Đức tại Việt Nam:
Cuộc đàm phán cấp cao giữa hai nước sẽ diễn ra tại thủ đô Berlin trong thời gian ngắn sắp tới. Nếu đàm phán thành công, thì quan hệ song phương sẽ trở lại mức hợp tác sâu sắc và toàn diện như trước đây, nhưng hiện nay chưa biết nhân vật nào sẽ dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam đến Berlin đàm phán, có thể là Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hoặc là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn?
Cách đây vài ngày, một nguồn tin từ Bộ Ngoại Đức cho tờ Thoibao.de biết rằng từ hơn một năm nay hai nước Đức và Việt Nam đã làm việc để khôi phục mối quan hệ song phương và đã có một quá trình trao đổi chặt chẽ với nhau kể từ khi đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược vào ngày 22 tháng 9 năm 2017.
Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Đức cũng như chính phủ Đức chưa bao giờ chính thức cho biết về nội dung của những trao đổi với phía Việt Nam. Phía Đức đã đưa ra những yêu cầu gì? Và phía Việt Nam đã đồng ý đáp ứng những đòi hỏi nào của Đức?
Trong thời gian những tháng qua, Việt Nam đã tìm đủ mọi cách và cơ hội để lấy lòng phía Đức. Điển hình là nhân dịp Quốc khánh CHLB Đức vừa qua (ngày 3/10/2018), mặc dù trước đó 1 tháng phía Đức không hề gửi điện chúc mừng Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (ngày 2/9/2018), nhưng cả 3 nhân vật đứng đầu chính phủ Việt Nam đều đã gửi điện chúc mừng:
- Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gửi điện mừng tới Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier.
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng tới bà Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel.
- Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện mừng tới Bộ trưởng Ngoại giao CHLB Đức Heiko Maas.
Hơn nữa, Việt Nam đã cử Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đến tham dự buổi lễ Quốc khánh Đức nêu trên do Đại sứ quán Đức tại Hà Nội tổ chức vừa qua, mặc dù vài tuần trước đó phía Đức chỉ cử một nhân viên cấp Vụ trưởng đến tham dự buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh CHXHCN Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức tại Berlin.
Ngay từ đầu cho đến nay, chính phủ Đức đã 3 lần ra tối hậu thư cho Việt Nam về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Với những tối hậu thư này, chính phủ Đức đã cho Việt Nam cơ hội cuối cùng trước khi có những biện pháp trừng phạt cứng rắn.
Vậy Việt Nam đã phản ứng và hành xử như thế nào đối với những tối hậu thư của Đức?
Tối hậu thư thứ nhất
Một ngày trước khi chính phủ Đức mở cuộc họp báo (ngày 2/8/2017) công bố lần đầu tiên vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc và ra quyết định trục xuất Nguyễn Đức Thoa -đại diện tình báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức- thì Bộ Ngoại giao Đức đã triệu tập Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đến gặp lúc 15 giờ chiều tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Berlin để trao tối hậu thư: Trể nhất đến 12 giờ trưa ngày hôm sau phải đưa ra lời giải thích vụ việc và đồng ý để cho Trịnh Xuân Thanh được trở lại Đức ngay lập tức.
Nếu 2 yêu cầu này được đáp ứng thì chính phủ Đức xem như không có chuyện gì xảy ra, nhưng rất tiếc cuối cùng Đại sứ Đoàn Xuân Hưng theo lệnh trong nước đã im lặng, không trả lời Bộ Ngoại giao Đức và hậu quả là cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài hơn một năm trời nay vẫn chưa chấm dứt.
Tối hậu thư thứ hai
Vụ bắt cóc này là một “sự vi phạm trắng trợn của luật pháp Đức và quốc tế“. Ngoại trưởng Đức Grabriel tuyên bố rằng Chính phủ Liên bang Đức dự trù sẽ có những biện pháp kế tiếp „trên bình diện chính trị, kinh tế cũng như viện trợ phát triển“. Theo ngôn ngữ thẳng thắng, điều đó có nghĩa rằng Chính phủ Liên bang sẽ không để yên vấn đề này, vì Hà Nội đã làm quá đáng.
Trước những phản ứng mạnh mẻ này, Việt Nam đã cử ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam bí mật sang Berlin gặp và đàm phán với phía Đức.
Một lần nữa chính phủ Đức đã trao cho Việt Nam một tối hậu thư thứ hai và Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn mang về nước tối hậu thư này, trong đó gồm những yêu cầu chính đáng mà phía Đức chờ đợi Việt Nam sẽ đáp ứng, để có thể khôi phục lại mối quan hệ song phương và khắc phục việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin.
Nhưng Việt Nam lại bỏ lỡ cơ hội, hồi cuối tháng 8 năm 2017 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh của Việt Nam đã gửi một bức thư hồi đáp cho Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel để giải thích về vụ việc Trịnh Xuân Thanh, trong thư Việt Nam vẫn khăng khăng một giọng điệu là Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện về nước đầu thú.
Chính vì thế, ngày 22.09.2017 chính phủ Đức ra quyết định tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam và trục xuất thêm 1 nhân viên Đại sứ quán tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Bản thông cáo của Bộ Ngoại Đức nêu rõ: „Chính phủ Việt Nam cho đến nay chưa đưa một lời xin lỗi nào, và cũng không cam kết đảm bảo trong tương lai sẽ không có hành động tương tự vi phạm trắng trợn công pháp quốc tế. Việt Nam cũng không cam kết là sẽ xử lý những người có trách nhiệm về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
…
Vì lí do cho tới nay phía Việt Nam hoàn toàn không đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi cũng như không thừa nhận việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin nên chúng tôi buộc phải áp dụng các biện pháp tiếp theo“.
Kể từ thời điểm này quan hệ giữa Đức và Việt Nam đã xuống mức thấp nhấp chưa từng có trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Sau đó chính phủ Đức còn tạm đình chỉ hiệp định giữa hai nước về việc miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao Việt Nam.
Tối hậu thư thứ ba
Gần 4 tháng sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra và 2 tháng sau khi Đức cắt đứt quan hệ đối tác chiến lược, ngày 20/11/2017 Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã có một cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM tại Myanmar.
Lần này chính tay Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã trao tối hậu thư thứ ba cho Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh. Ông Wolfgang Maning, Phó Đại sứ Đức tại Hà Nội cho biết, trong cuộc hội đàm Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã đưa cho Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh một bản lộ trình (roadmap), trong đó bao gồm những yêu cầu của phía Đức mà phía Việt Nam cần phải thực hiện để hàn gắn những đổ vỡ trong mối quan hệ giữa hai nước do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ra.
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã đem tối hậu thư này về trong nước để lấy ý kiến quyết định, có nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ Hà Nội đã „xuống nước“ cam kết với chính phủ Đức sẽ đáp ứng những yêu cầu trong bản lộ trình (roadmap).
Hôm 30.6.2018 tại Berlin, ông Nguyễn Hữu Tráng, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, đã tiết lộ cho tờ Thoibao.de biết:
„Chính phủ hai nước từ cuối năm ngoái, từ cuối tháng 12 năm ngoái (2017) đã có thỏa thuận lộ trình để xử lý vấn đề này, để đưa quan hệ hai nước trở lại bình thường.
Về cơ bản cho đến nay cả hai bên đều trao đổi rất thẳng thắn với nhau, phía Việt Nam cũng đáp ứng một số yêu cầu của Đức nêu ra, đặc biệt trong thỏa thuận tháng 12 năm ngoái (2017) với Đức đã có thỏa thuận không công bố, … không thể nói công khai những gì chúng ta đã làm, phía Đức đã làm, hay là phía Đức nói gì với Việt Nam, Việt Nam nói gì với họ, cái đó đã nằm trong thỏa thuận giữa hai Bộ Trưởng ngoại giao từ tháng 12 năm ngoái (2017)“.
Bộ Ngoại giao CHLB Đức đã nhiều lần trả lời báo chí rằng „Kể từ vụ bắt cóc, chúng tôi đã tiến hành một quá trình trao đổi chặt chẽ với phía Việt Nam. Họ biết rõ phải làm gì để sửa chữa những thiệt hại gây ra cho mối quan hệ song phương“, nhưng Bộ Ngoại giao CHLB Đức cũng không tiết lộ những nội dung thỏa thuận.
Trong nước có một số nguồn tin cho rằng trong các thỏa thuận đạt được giữa hai nước nhằm hàn gắn mối quan hệ song phương là một số nhà hoạt động nhân quyền-dân chủ trong danh sách hàng trăm công dân Việt Nam bị công an cấm xuất cảnh “được phép” xuất cảnh trở lại. Quả thật có một số người đã được Bộ Công an trả lại hộ chiếu.
Trong Thảo luận Bàn tròn của đài BBC hôm 03/05/2018, nhà báo Mạc Việt Hồng từ Warsaw, Ba Lan nêu ý kiến:
“Tôi không tin rằng phía Đức sẽ tìm được sự chân thành nhận lỗi để mà xin lỗi từ phía Việt Nam đâu vì tôi nghĩ cái đó là hơi khó nhưng sự nhún nhường thì có thể. Gần đây tôi có nhận được một số thông tin rằng một số nhà hoạt động trong nước nhận lại được hộ chiếu, được rút lại lệnh cấm xuất cảnh và nhận được visa. Có thể đó là tác động từ Đại Sứ quán Đức ở Việt Nam.
Và có thể có thêm một số sự nhún nhường nữa như là giảm bản án hoặc phóng thích trước thời hạn cho một số tù nhân lương tâm. Có thể Việt Nam sẽ cần đổi chác qua những thứ như vậy“.
Hồi đầu tháng 8 năm nay, luật sư Nguyễn Văn Đài và người cộng sự Lê Thu Hà được phóng thích, đưa thẳng từ nhà tù sang Đức. Vợ luật sư Đài, bà Vũ Thị Minh Khánh cũng được đi cùng chồng sang Đức. Báo chí Đức nói rằng, đây là một trong những điểm nằm trong danh sách đáp ứng ngoại giao của Việt Nam đối với Đức. Hà Nội hy vọng rằng qua việc trả tự do cho các trường hợp này, quan hệ ngoại giao với Đức và EU sẽ được cải thiện, nhật báo Frankfurter Allgemeine viết. Trong cuộc họp báo chính phủ Đức hôm 08/06/2018 tại Berlin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố: „Chúng tôi coi đây là một bước đi nhân đạo đáng chú ý của phía Việt Nam và cũng là một tín hiệu tốt đối với cộng đồng quốc tế“.
Trịnh Xuân Thanh có được trao trả về Đức hay không?
Có thể nói, cuộc đàm phán sắp tới tại Berlin là giai đoạn cuối của bản lộ trình (roadmap) sau khi Việt Nam có những nhượng bộ sâu rộng, đáp ứng một số yêu cầu của phía Đức trong 10 tháng qua. Một trong những nhượng bộ mà ai cũng thấy rõ Việt Nam đã không kết án tử hình Trịnh Xuân Thanh.
Nếu đàm phán sắp tới tại Berlin thành công, thì quan hệ giữa hai nước có thể sẽ được phục hồi, kể cả việc nối lại quan hệ đối tác chiến lược. Nhưng một trong những điểm khó khăn trong cuộc đàm phán là Việt Nam có đáp ứng yêu cầu của phía Đức cho Trịnh Xuân Thanh xuất cảnh sang Đức hay không?
Trước đây 4 tháng, báo chí Đức đưa tin Trịnh Xuân Thanh có thể sắp được xuất cảnh sang Đức. Căn cứ vào nhiều nguồn khác nhau, tờ Frankfurter Allgemeine, một nhật báo tầm vóc liên bang và có uy tín nhất nhì nước Đức, ra ngày thứ bảy 09/06/2018, đã đưa tin rằng chính phủ Hà Nội đã cam kết với chính phủ Đức cho phép Trịnh Xuân Thanh được xuất cảnh sang Cộng hòa Liên bang Đức sau khi phiên tòa ở Berlin xét xử nghi can mật vụ Nguyễn Hải Long kết thúc.
Thậm chí bài báo còn nói Trịnh Xuân Thanh và con trai Trịnh Hùng Cường có lẽ sẽ được sang Đức vào đầu năm 2019, đúng vào thời điểm theo như dự định Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu có hiệu lực, nhưng chỉ khi nào Cộng hòa Liên bang Đức không thực hiện quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng châu Âu.
Tuy nhiên, nếu trả Trịnh Xuân Thanh về Đức, thì nhà cầm quyền Hà Nội làm sao trả lời những thắc mắc của dư luận trong nước: Tại sao lại thả một kẻ đã bị 2 án tù chung thân mà phải mất rất nhiều thời gian công sức thì mới bắt được? Phải giải thích thế nào với những người dân đang hồ hởi, phấn khởi coi việc bắt được Trịnh Xuân Thanh là một thành công lớn trong chiến dịch „đốt lò“ chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Như vậy Việt Nam rất khó lòng mà chấp nhận cho Trịnh Xuân Thanh xuất cảnh sang Đức, nhưng nếu không đáp ứng yêu cầu này của phía Đức, thì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh sẽ không bao giờ được khép lại, vì bà Isabel Schlagenhauf, luật sư Đức của Trịnh Xuân Thanh, chắc chắn sẽ không để yên cho chính phủ Đức.
Trong một bài khảo luận, giáo sư Hoàng Xuân Phú tại đại học Heidelberg – Đức đã nhận định rằng khi 2 nước giải quyết vấn đề, cần phải tính đến yếu tố luật sư Đức của Trịnh Xuân Thanh. Chính phủ Đức có thể thỏa hiệp vì những mục tiêu và quyền lợi khác nhau, nhưng luật sư Đức của TXT thì chỉ có mục tiêu duy nhất, gắn liền quyền lợi bản thân, đó là thân chủ của mình được xuất cảnh sang Đức.
Do đó khúc mắc hiện nay không chỉ nằm ở mối quan hệ giữa chính quyền Việt Nam với chính quyền Đức, mà còn ở mối quan hệ giữa luật sư Đức của TXT với chính quyền Đức. Luật sư Việt Nam có thể bị chính quyền khống chế, nhưng luật sư Đức chỉ phục tùng pháp luật Đức, Chính phủ Đức không thể chi phối họ. Chính quyền Đức có thể thỏa thuận và nhượng bộ với chính quyền Việt Nam, nhưng nếu thỏa thuận ấy vi phạm pháp luật Đức, thì luật sư Đức của TXT sẽ không để yên, sẽ kiện Chính phủ Đức. Ở Đức, luật sư thắng kiện Chính phủ là điều có thể, lại rất vinh quang, được tiếng tăm tốt cho nghề nghiệp, vậy thì đâu dễ bỏ qua.
Đó cũng chính là một trong những lý do tại sao chính phủ Đức ngay từ đầu cho đến nay luôn luôn yêu cầu Việt Nam hãy để Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức.
Ngoài ra trong thời gian vài tháng gần đây các đảng đối lập đã đưa vấn đề Trịnh Xuân Thanh ra Quốc hội Liên bang Đức, gần nhất là hôm nay ngày 11/10/2018 đảng Linke (đảng Cánh tả) đã đưa vấn đề này ra Quốc hội sau khi bản câu hỏi của đảng Linke được Quốc hội trả lời. Trước đó ngày 12/09/2018 đảng Grüne (đảng Xanh) cũng nêu ra những câu hỏi yêu cầu Quốc hội trả lời.
Nói tóm lại, trong cuộc đàm phán với Việt Nam sắp tới đây tại Berlin chính phủ Đức trước khi đi đến một thỏa thuận hay nhượng bộ nào, đều phải luôn luôn lưu ý và cân nhắc đến 2 yếu tố: Bà Schlagenhauf, luật sư Đức của Trịnh Xuân Thanh và các đảng đối lập trong Quốc hội Liên bang Đức.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>> Nhất thể hóa: Ván cờ lấp lửng nước đi của TBT Nguyễn Phú Trọng
>> Chế độ Cộng sản sụp đổ, Quân đội và An ninh bắn nhau, Tổng bí thư bị xử tử
>> Chính phủ Đức mạnh mẽ lên án Nga đứng sau các vụ tấn công mạng vào nước này
>> Pháp điều tra vụ mất tích của Chủ tịch tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol sau khi về Trung Quốc
>> Nữ chủ quán người Việt bị cướp sạch tiền bán hàng ngay trước cửa nhà tại Berlin
>> VinFast sản xuất xe ô tô Việt Nam với công nghệ Đức – Đó là xe BMW made in Vietnam
>> Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Thủ tướng Slovakia đe dọa Việt Nam sẽ bị các hậu quả về ngoại giao
>> Phim phóng sự của Đài RTV Slovakia về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
>> Tham tán ngủ ở Liên Hiệp Quốc: Người chụp hình nói gì
>> Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi tất cả các nước trên thế giới chiến đấu chống chủ nghĩa xã hội
>> Từ thợ làm móng tay chuyển sang trồng cần sa tại Đức và xây chùa ở Việt Nam
>> Bức ảnh hay nhất năm 2018 về mối quan hệ giữa hai nước Đức – Việt