Bức hình chụp người được cho là Tham tán Nguyễn Nam Dương của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc ngủ gật tại trụ sở của cơ quan này đã gây bão trên Facebook cả ở góc độ số lượt chia sẻ lẫn số lời bình luận.
Người bảo tham tán ngủ lúc nghỉ giải lao, người khẳng định ông ngủ lúc đang có phiên họp và cuộc cãi vã diễn ra trong nhiều ngày. Ai cũng có những lý lẽ thoạt nghe có vẻ khá thuyết phục.
Vậy sự thật về bức ảnh được chụp hôm 25/9 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc là thế nào?
Ở phần chú thích ảnh của Getty Images, hãng chuyên cung cấp ảnh và video cho truyền thông thế giới, có ghi nguyên văn tiếng Anh: “A member of Vietnamese delegation naps during the General Debate of the 73rd session of the General Assembly at the United Nations in New York September 25, 2018.” Chú thích này có nghĩa là: “Thành viên của phái đoàn Việt Nam chợp mắt tại buổi Thảo luận Chung trong phiên họp lần thứ 73 của Đại Hội Đồng tại Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 25/9/2018.” Chú thích cũng ghi rõ người chụp hình là Don Emmert của hãng thông tấn Pháp AFP.
Mặc dù vậy một số bình luận nói buổi Thảo luận Chung có thể kéo dài và có giờ nghỉ ở giữa. Bởi vậy chuyện tham tán ngủ vào giờ nghỉ là đúng để đầu óc minh mẫn hơn trước khi lại phải tiếp tục họp liên miên. Trước khi biết đây là một tham tán đóng ở chính New York, người ta lại bảo lệch giờ nên ngủ thế là bình thường. Dĩ nhiên đây là chuyện có thể xảy ra với bất cứ ai. Người thân người ta có thể lăn ra ốm khiến họ phải thức cả đêm hôm trước chẳng hạn. Nhưng xin khẳng định hoàn toàn không có chuyện tham tán ngủ trong giờ nghỉ.
Sau khi theo dõi những tranh cãi trên mạng xã hội, tôi liên hệ với người chụp hình, trưởng văn phòng ảnh của hãng thông tấn AFP ở New York, ông Don Emmert. Tôi gửi thư điện tử cho ông hôm thứ Bảy, 29/9 để hỏi về những tranh cãi quanh bức ảnh và chỉ mong tới thứ Hai Don sẽ trả lời các câu hỏi của tôi. Nhưng ông trả lời ngay trong ngày 29/9. Để tránh những câu hỏi không cần thiết về chuyện liệu tôi có biên tập câu trả lời của phóng viên ảnh hay không, xin chia sẻ toàn bộ thư Don gửi:
“[Gửi] Hùng.
“Tôi đã lần tìm trong kho tư liệu của tôi để tìm câu trả lời cho các câu hỏi của anh.
“Tôi chụp bức hình vì tôi có mặt ở LHQ để đưa tin về những gì diễn ra tại Sảnh ĐHĐ [Đại Hội đồng]. Thường điều này đồng nghĩa với việc chụp ảnh diễn giả từ các góc độ khác nhau nhưng tôi cũng tìm những nét khác có thể diễn ra trong các diễn văn.
“Từ góc tôi chụp bức hình này tôi cũng chụp ảnh Đại sứ Syria đang ngáp to. Điều này khiến tôi chú ý vì quan hệ giữa Iran và Syria. Sau đó tôi để ý tới đoàn Việt Nam vì bàn của họ khá gần với bàn của Syria. Tôi không biết ông ấy ngủ trong bao lâu. Tôi chỉ chứng kiến đủ lâu để chụp hình.
“Tôi có thể khẳng định rằng bức ảnh được chụp trong lúc đang diễn ra bài phát biểu của Tổng thống Iran. Đó không phải là giờ nghỉ. Trong thẻ số của tôi có ảnh Tổng thống Rouhani phát biểu cả trước và sau tấm hình chụp người đàn ông đang ngủ.
“Tôi hy vọng đã trả lời các câu hỏi của anh. Nếu anh cần thông tin gì thêm hay cần thêm giải thích, cứ nói với tôi.
Tạm biệt.
Don”
Vậy chúng ta có thể thấy gì qua những chia sẻ và bình luận quanh tấm hình này trên cõi Facebook ở Việt Nam. Nó chứng minh lời một bài hát của Madona, bài Frozen [Đóng băng] mà tôi rất thích với những câu mở đầu:
“You only see what your eyes want to see
How can life be what you want it to be
You’re frozen when your heart is not open
You’re so consumed with how much you get
You waste your time with hate and regret
You’re broken when your heart is not open”
Tạm dịch:
“Bạn chỉ thấy những gì mắt bạn muốn thấy
Làm sao cuộc sống có thể y như ý bạn muốn
Bạn đông cứng khi trái tim bạn không rộng mở
Bạn quá bận tâm tới chuyện bạn sẽ được hưởng bao nhiêu
Bạn phí thời gian với thù hận và ân hận
Bạn hỏng rồi vì trái tim bạn không rộng mở”
Đa số chúng ta chỉ tìm những gì phù hợp và chứng minh cho niềm tin sẵn có của chúng ta. Khi thấy những gì bạn muốn nghe, muốn thấy bạn chia sẻ ngay. Những gì trái với suy nghĩ và niềm tin của bạn, bạn sẽ lướt qua cho nhanh, khỏi thích hay bình luận làm gì. Đây là lý do xã hội khó thay đổi. Xã hội là do mỗi con người riêng lẻ góp phần tạo ra. Nếu số người vẫn giữ nguyên cách nghĩ và niềm tin cũ đông hơn những người mở lòng với cái lạ, cái mới, xã hội khó thay đổi hoặc thay đổi rất chậm. Đây chính là điều đã diễn ra ở Việt Nam kể từ năm 1986 khi Đổi Mới đã được phát động.
Quay trở lại với Tham tán Nguyễn Nam Dương, tôi mong anh dũng cảm đối mặt với thách thức này thay vì đóng Facebook như anh đã làm. Nhà ngoại giao có hạng của Việt Nam phải ứng xử giỏi trong mọi tình huống, mà tình huống này theo tôi cũng thường thôi. Thực ra tôi ưng anh nhất khi anh ngủ vì tôi chẳng biết anh là ai nhưng tôi biết khi ngủ anh là người [cộng sản] tốt. Khi những người cộng sản thức dậy thì nhiều điều hãi hùng có thể xảy ra như Tổng thống Trump đã phát biểu.
VOA / Nguyễn Hùng
Link: https://www.voatiengviet.com/a/tham-tan-nam-duong-ngu-guc-lien-hiep-quoc/4594457.html
Nguyễn Hùng
Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook – https://www.facebook.com/haynhi3005/.
>> Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi tất cả các nước trên thế giới chiến đấu chống chủ nghĩa xã hội
>> Từ thợ làm móng tay chuyển sang trồng cần sa tại Đức và xây chùa ở Việt Nam
>> Bức ảnh hay nhất năm 2018 về mối quan hệ giữa hai nước Đức – Việt
>> Cảnh sát liên bang Đức phát hiện 26 người Việt được giấu trong xe bus
>> Tuyên bố của Will Nguyen sau khi rời khám Chí hòa tại TP.Hồ Chí Minh
>> Tuyên bố của EU tại Việt Nam về việc kết án gần đây đối với ông Lê Đình Lượng
>> Cách mạng tháng 8 năm 1945 „Cướp chính quyền tại Việt Nam“ và ngày nay „Cướp người tại Đức“
>> Trịnh Xuân Thanh có được trao trả về Đức hay không?